Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

BẢNG TIN THÔNG TIN THUỐC Số 01/2023

Với mục đích không ngừng trau dồi, trao đổi kiến thức chuyên môn để hỗ trợ tích cực cho công tác khám chữa bệnh và kê đơn, đơn vị Thông tin thuốc và Dược lâm sàng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiến hành biên soạn Bản tin Thông tin thuốc số 01 năm 2023.


 

Bản tin được lưu hành rộng rãi trong bệnh viện với các nội dung chính sau:

1. Ảnh hưởng của tình trạng tăng thanh thải thận (ARC) trên liều dùng kháng sinh

 

Tăng thanh thải thận (Augmented Renal Clearance – ARC) là tình trạng thận tăng cường thải trừ các chất hơn mức bình thường, thường xuất hiện ở 20–65% bệnh nhân nhân nặng, đặc biệt là bệnh nhân hồi sức tích cực. ARC làm tăng thải trừ thuốc qua thận và có thể làm giảm nồng độ của thuốc dưới ngưỡng điều trị, dẫn đến nguy cơ thất bại điều trị khi sử dụng các loại thuốc được đào thải chủ yếu qua thận, đặc biệt là các kháng sinh thân nước như β-lactam, vancomycin v.v.

Hiện chưa có 1 tiêu chuẩn thống nhất cũng như các phương pháp ước tính chức năng thận đơn giản và chính xác để xác định ARC, hướng dẫn hiệu chỉnh liều cũng chưa rõ ràng. Một số phương pháp đã được khuyến cáo trên thế giới để sàng lọc ARC trên những bệnh nhân có nguy cơ và hướng dẫn để tối ưu hóa chế độ liều kháng sinh đã được chúng tôi tổng hợp và đề xuất trong bài viết này.


Hình 1: Cơ chế tăng thanh thải thận ở bệnh nhân hồi sức

 

2. Tóm tắt IDSA 2023: Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm kháng kháng sinh

 

Ngày 7/6/2023, Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (The Infectious Diseases Society of America) đã ban hành hướng dẫn về điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm đa kháng thuốc: https://www.idsociety.org/practice-guideline/amr-guidance.

Hướng dẫn này áp dụng cho cả người lớn và trẻ em, bao gồm các khuyến cáo điều trị nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn sau:

1. Enterobacterales sinh β-lactamase phổ rộng (ESBL-E)

2. Enterobacterales sinh AmpC β-lactamase (AmpC-E)

3. Enterobacterales kháng carbapenem (CRE)

4. Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc khó trị (DTR- P. aeruginosa)

5. Acinetobacter baumannii kháng carbapenem (CRAB)

6. Stenotrophomonas maltophilia

Chúng tôi đã tóm tắt lại hướng dẫn với các khuyến cáo điều trị chi tiết cho mỗi chủng vi khuẩn trên.


Hình 2: IDSA 2023: Guidance on the Treatment of Antimicrobial Resistant Gram-Negative Infections

 

3. Liều kháng sinh thường dùng ở trẻ em

 

“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”. Việc sử dụng thuốc ở bệnh nhân nhi thường không đơn giản vì các đáp ứng dược động học, dược lực học của trẻ em thường khó dự đoán hơn, và rất khác so với người lớn. Liều quá thấp sẽ không đảm bảo hiệu quả điều trị, dễ phát sinh đề kháng, liều quá cao dẫn đến các tác dụng có hại và độc tính của thuốc.

Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng bảng liều với 49 loại kháng sinh thường dùng cho trẻ em, được xây dựng dựa trên các tài liệu uy tín như: Dược thư quốc gia Việt Nam, Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em – Bộ Y tê 2015, IBM Micromedex, Lexicom, Sanford guide. Bảng liều gồm các nội dung về liều dùng thông thường, liều dùng cho những trường hợp nhiễm khuẩn nặng và liều dùng tối đa cho từng loại kháng sinh để quý đồng nghiệp có thể dễ dàng tham khảo, tra cứu khi kê đơn và sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

4. Phân loại độ an toàn thuốc cho phụ nữ có thai

 

Những năm gần đây, nhu cầu dùng thuốc trong thai kỳ tăng lên đáng kể. Việc sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai (PNCT) vốn luôn phức tạp, vì vấn đề không chỉ dừng lại ở câu hỏi thuốc đó CÓ THỂ hay KHÔNG THỂ sử dụng cho thai phụ, mà mục tiêu sau cùng là cần tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Vì vậy, chúng tôi xây dựng bảng Phân loại độ an toàn thuốc cho phụ nữ có thai với mong muốn có thể cung cấp các thông tin hỗ trợ nhân viên y tế trong quá trình thực hành lâm sàng. Các thuốc trong bảng phân loại được chia theo các nhóm thuốc: Kháng sinh, thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn, thuốc kháng acid và các thuốc chống loét khác tác dụng trên đường tiêu hóa,… để các nhân viên y tế có thể so sánh và đưa ra lựa chọn hợp lý nhất cho bệnh nhân theo từng trường hợp bệnh nhân, bệnh lý cụ thể.


Hình 3: Phân loại độ an toàn thuốc cho phụ nữ có thai: Nhóm kháng sinh Aminosid

 

5. Danh mục thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau – LASA

 

Căn cứ danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện, để đảm bảo công tác chống nhầm lẫn trong quá trình cấp phát, sử dụng, khoa Dược xây dựng “Danh mục thuốc nhìn giống nhau, đọc giống nhau (LASA – look alike sound alike)”. Danh mục này sẽ được cập nhật, bổ sung trong quá trình sử dụng. Kính mong các quý đồng nghiệp chú ý cập nhật và thực hiện tốt nguyên tắc kiểm tra, đối chiếu trước khi cấp phát, sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Với 5 nội dung chính trên, mong rằng Bản tin thông tin thuốc của Tổ thông tin thuốc và Dược lâm sàng – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có thể giúp ích cho các quý đồng nghiệp trong việc trau dồi kiến thức chuyên môn khám chữa bệnh và kê đơn, với mục đích cuối cùng là không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Kính mong nhận được sự đón nhận và góp ý của các quý đồng nghiệp!

Link đọc chi tiết:

https://drive.google.com/file/d/1v3Ri5keaUF5ORiZYJxiL-4SOJSwQWuG0/view?usp=sharing

 

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 51
Tổng số lượt truy cập: 6467957