Trong làn sóng dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, 7 cán bộ y tế Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã đến chi viện bằng tất cả nhiệt huyết và đồng lòng quyết tâm chống dịch, để lại những ấn tượng sâu sắc và cảm phục của người dân.
Sau 30 ngày làm việc nơi đây, những y, BS đã gửi về Nghệ An những lời chia sẻ, những cảm xúc khó quên.
(Chắp bút theo thời tự sự của ThS.BS. Lê Văn Hoành – Khoa Sản đẻ)
"Những ngày đầu nơi tâm dịch
12/7, ngay khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất , trước mắt chúng tôi là một Sài Gòn vẫn hoa lệ, nhưng không đông đúc như những gì chúng tôi đã từng được thấy đâu đó.
Sài Gòn hôm nay ốm rồi, lẻ loi và thưa thớt.
13/7:
Đội hình 7 cán bộ y tế Bệnh viện Sản Nhi, bao gồm BS Hoành, Trung Đức, Nguyễn Hải, Thu Hải, Trà là những cán bộ được lựa chọn đầu tiên bắt đầu vào công việc. Bệnh viện Trưng Vương là địa điểm đoàn Sản Nhi sẽ tăng cường. Bệnh viện thuộc tầng thứ 4/5 trong phân tầng các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID, bệnh viện chuyên điều trị bệnh nặng, chỉ sau Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Trung tâm hồi sức.
Môi trường mới, không khí mới, đồng nghiệp mới, bệnh nhân mới, mặt bệnh mới, mọi thứ rất mới mẻ. Tất cả chúng tôi có chút ngỡ ngàng.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bv Trưng Vương
Nhưng, rất nhanh chóng, chúng tôi động viên nhau thích nghi để hòa nhập vào môi trường chung của bệnh viện, của khoa sản, nhi, hồi sức, nơi mà chúng tôi được phân công hỗ trợ. Đoàn công tác tăng cường được phân lịch làm việc theo ca kíp, ngày nào cũng làm việc và xoay tua, mỗi tua 8 tiếng. Các y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi ngày đêm cần mẫn tham gia chăm sóc, điều trị, hội chẩn các ca bệnh nặng của BV Trưng Vương. Làm việc và tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân COVID, những cán bộ y tế phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng PPE để đảm bảo an toàn. Nóng nực, khó chịu, bất tiện vô cùng, nhưng những khó khăn dần dần cũng được thích nghi.
Tối đến hay những lúc rảnh rỗi là quãng thời gian nghỉ ngơi quý báu. Các anh chị em trong đoàn thường xuyên chia sẻ chuyện buồn vui, công việc, gia đình, tình yêu…Cùng động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Và phương thức liên lạc cũng đặc biệt vô cùng. Do tình hình dịch bệnh phức tạp và lây lan nhanh, nên chủ trương của Bệnh viện là không được gặp gỡ, không tiếp xúc, phòng cách phòng, người biết người. Vậy là, facebook, zalo, gặp nhau trên điện thoại là cách thức giao tiếp duy nhất. Hiếm hoi được ngồi bên nhau, mà không thể trực tiếp nói chuyện với nhau câu nào.
Những kỷ niệm không thể quên
Người Nghệ nói tiếng Nghệ, mà tiếng quê mình đối với các vùng miền được ví vui là “ngoại ngữ”. Qua lớp khẩu trang N95 kín mít, và thêm tấm kính chắn giọt bắn, việc giao tiếp càng khó hơn bội phần. Giao tiếp ngày thường là điều tự nhiên, “dễ như ăn kẹo”, mà trong môi trường chống dịch, là cả một sự vất vả không ngờ. Để các đồng nghiệp là nhân viên y tế hiểu ý nhau, có những lúc phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và tương tự, không ít lần giải thích bệnh nhân, những cán bộ xứ Nghệ ân cần, nhẫn nại trao đổi 2 , 3 lần để người bệnh hiểu cặn kẽ phác đồ điều trị.
Những ngày đầu tiên vào với mảnh đất Sài thành hoa lệ, chúng tôi đã được người dân ở đây đón tiếp bằng những món ăn đặc trưng của miền Nam, chế biến nhiều mỡ và ngọt. Những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thơm ngon, nhưng mỗi cán bộ y tế vẫn đau đáu nhớ vị quê nhà “cay, mặn”. Mỗi lần được thông báo nhận quà hay được ăn một bữa cơm của người Nghệ nấu, là các anh chị em tranh thủ đi lấy cơm rất sớm, rồi ăn ngon lành trong niềm vui rất đơn giản mang tên "Vị quê nhà - chưa bao giờ được ăn bữa cơm ngon như thế".
Và, sau đợt tăng cường cho Sài Gòn này, những y, BS chúng tôi có thêm một nghề phụ nữa là thợ hớt tóc. Tự tay cắt tóc cho nhau, dù không đẹp, nhưng chúng tôi vẫn cười vui rằng, những kiểu tóc mốt nhất, thời thượng nhất chỉ có thể xuất hiện trong thời COVID này.
Mỗi bước đi, mỗi hành động, mỗi việc làm của đoàn cán bộ y tế ở vùng tâm dich luôn nhận được sự quan tâm rất sát sao từ gia đình, từ Ban Giám đốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, các đồng nghiệp từ quê nhà. Đó là những động lực tinh thần mà chúng tôi tự hào có được.
Từ tâm dịch Sài Gòn, sau 30 ngày “chung lưng đấu cật” cùng cả nước chống dịch, đoàn công tác chân thành cảm ơn công đoàn, điều dưỡng đã chăm lo cho những nhu yếu phẩm mà rất khó khăn mới có được những ngày dịch lây lan.
Với sự cổ vũ động viên to lớn đó, đoàn công tác quyết tâm cống hiến sức mình, cùng với nhân dân thành phố mang tên Bác đẩy lùi Covid, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao."