Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Hướng dẫn thực hành cho trẻ ăn bổ sung

Sữa mẹ là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sau giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn, lúc 6 tháng tuổi trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng. Nhưng ăn bổ sung như thế nào cho cân đối, hợp lý để trẻ được phát triển tốt cũng là vấn đề các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm.

Vì sao trẻ cần được ăn bổ sung?

- Khi trẻ lớn lên (ngoài 6 tháng tuổi) trẻ em cần thêm năng lượng và các vi chất khác để phát triển một cách khỏe mạnh. Đây cũng là độ tuổi quan trong đối với sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ.

- Trong độ tuổi từ 6-24 tháng nếu chỉ bú sữa mẹ sẽ không cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy, ngoài sữa mẹ trẻ cần được ăn thêm các thức ăn bổ sung.

- Ngoài ra, nhu cầu cao về sắt và kẽm trong độ tuổi 6-24 tháng, nếu lượng sắt hấp thu hàng ngày không đủ, trẻ sẽ dễ bị thiếu máu. Do vậy, khi chế biến thức ăn bổ sung cho con, các bậc cha mẹ nên sử dụng những thực phẩm có chứa hàm lượng sắt cao.

Thức ăn bổ sung là gì?

- Là các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.

- Là các thức ăn có sẵn trong gia đình được chế biến riêng cho trẻ dễ ăn.

- Là các nguồn sữa khác ngoài sữa mẹ.

Thức ăn bổ sung cho trẻ cần đảm bảo

- Chứa nhiều chất dinh dưỡng và cung cấp nhiều năng lượng.

- Sạch sẽ và an toàn.

- Dễ dàng chế biến, lấy từ nguồn thực phẩm dành cho gia đình.

- Có sẵn tại địa phương và gia đình có khả năng chi trả.

- Kết hợp 4 nhóm thực phẩm để có một bữa ăn cân đối cho trẻ


                                                          ( Hình ảnh minh họa bữa ăn dặm của trẻ )

Trẻ 6-7 tháng:

Tập cho trẻ ăn thức ăn bổ sung

- Vị của món ăn có thể làm cho trẻ thấy lạ miệng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ mà bà mẹ bắt đầu tập cho trẻ ăn 1 đến 2 thìa cà phê thức ăn và cho ăn 1 đến 2 lần mỗi ngày.

- Cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ có nhu cầu.

Nấu bột đặc: Bột nấu phải đủ đặc để có thể dễ dàng xúc bằng thìa

- Trẻ cần có thời gian để làm quen với việc ăn thức ăn bằng thìa và làm sao để nuốt thức ăn. Thức ăn có thể rớt ra ngoài miệng trẻ hoặc bị trẻ nhè ra nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ không thích ăn món đó.

Trẻ 7-9 tháng:

- Cho trẻ ăn những thức ăn bổ sung trước khi cho bú mẹ.

Tăng dần số lượng và chủng loại thức ăn cho trẻ (trẻ trên 9 tháng tuổi cần cho ăn nhiều loại thức ăn khác nhau).

- Bà mẹ nên kiên nhẫn và luôn khuyến khích con ăn thêm những loại thực phẩm mới.

- Sự ngon miệng giúp trẻ ăn nhiều hơn. Việc trẻ ăn không ngon miệng có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang ốm hoặc đang buồn bực trong người. Cũng có thể do bữa ăn được chế biến không phong phú và trẻ cảm thấy chán khi ăn cùng loại thức ăn mỗi ngày. Nếu để tình trạng ăn không ngon miệng của trẻ kéo dài có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng.

- Ở tháng tuối này, trẻ bắt đầu nhận biết được mùi vị thức ăn. Bà mẹ không nên chế biến thức ăn cho trẻ quá mặn, quá ngọt hoặc cay,...

 Trẻ 10-12 tháng:

- Cho trẻ ăn bất cứ khi nào trẻ thấy đói

- Không để cho trẻ bị khát (nhưng cũng không nên cho trẻ uống nước hay thực phẩm dạng lỏng quá nhiều trước hoặc trong bữa ăn làm giảm sự ngon miệng của trẻ)

- Khuyến khích cho trẻ ăn. Chú ý chăm sóc trẻ, kiên nhẫn dạy trẻ với tình cảm âu yếm của người mẹ. Các thực phẩm chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ thường có hàm lượng sắt, kẽm thấp. Hàng ngày bà mẹ nên chế biến thịt, trứng, cá, tôm,... cho con ăn vì đây là nhóm thực phẩm giàu sắt và kẽm.

 Trẻ 13-24 tháng:

- Cho thức ăn của trẻ vào một bát riêng để có thể biết chính xác lượng thực phẩm trẻ ăn mỗi bữa.

- Không nên giục trẻ ăn. Trẻ có thể ăn một chút, chơi một chút, rồi sau đó lại ăn; cần có sự kiên nhẫn và vui đùa với trẻ để khuyến khích trẻ ăn.

- Với những trẻ khó bảo, chơi trò chơi với trẻ để thuyết phục trẻ ăn nhiều hơn.

 Chăm sóc cho trẻ trên 2 tuổi

- Cho trẻ ăn cùng với gia đình 3 bữa một ngày. Cũng có thể cho trẻ ăn hai bữa một ngày kèm theo các bữa ăn phụ có nhiều chất dinh dưỡng xen kẽ giữa những bữa chính.

- Trẻ nhỏ thích tự xúc ăn lấy, cha mẹ nên cổ vũ con điều này nhưng phải luôn sẵn sàng giúp đỡ để con có thể cho thức ăn vào miệng.

 

( Hình ảnh minh họa bữa ăn dặm của trẻ )

                                                                                    Khoa Tiết chế dinh dưỡng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

 

 

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 314
Tổng số lượt truy cập: 6223026