Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Nuốt dị vật ở trẻ nhỏ

Nuốt dị vật là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, với bản tính tò mò, trẻ thường hay khám phá thế giới xung quanh bằng việc cho mọi thứ vào miệng. Trong nhiều trường hợp, các dị vật sẽ được đưa ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện. Nhưng một số trường hợp các dị vật này nằm lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột hoặc có thể nằm ở thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách, kịp thời.


Gần đây Bệnh viện Sản Nhi nghệ An đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do nuốt phải dị vật như dây chuyền, nhẫn vàng, đồng xu, hòn bi, tăm, búi tóc. Đã nhiều trẻ có những biến chứng nguy hiểm phải tiến hành phẫu thuật để lấy bỏ dị vật và khắc phục biến chứng.


 Do vậy, khuyến cáo các bậc phụ huynh nên để những vật nhỏ, dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Những vật phổ biến mà trẻ hay nuốt phải có thể kể đến như: đồng xu, cúc áo, hòn bi, hòn đá, đinh vít, kẹp ghim, các bộ phận của những món đồ chơi có kích thước nhỏ…

Một số trẻ sau khi nuốt được người nhà phát hiện kịp thời đưa đến viện, nhưng có một số trẻ thì biểu hiện quấy khóc, nôn trớ vào viện và người nhà cũng không biết chính xác trẻ có nuốt dị vật hay không.

Qua thăm khám lâm sàng và chụp Xquang, siêu âm các bác sĩ phát hiện dị vật đường tiêu hóa có những trường hợp gây biến chứng thủng ruột --> viêm phúc mạc phải phẫu thuật.

 

 

 

Trên đây là hình ảnh Xquang của 02 trường hợp trẻ  nuốt dị vật kim loại khi cầm chơi

  

Trong thời gian từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2021 tại Bv Sản Nhi Nghệ an  đã phát hiện và điều trị hơn 40 trường hợp mắc dị vật đường tiêu hóa. Các trường hợp mắc dị vật ở trẻ em có xu hướng ngày càng tăng vì vậy cần có những khuyến cáo cho người nhà của trẻ , người lớn nên trông trẻ nhỏ thật cẩn thận, không cho chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ, dễ làm cho các bé tò mò rồi bỏ vào miệng ngậm, nuốt có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.

 

Hình ảnh các bác sỹ đang nội sôi gây mê lấy dị vật 

Một số trường hợp trẻ nuốt nhẫn cưới của mẹ và đã được nội soi lấy dị vật 

1. Các đối tượng dễ mắc dị vật đường tiêu hóa:


Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, những đối tượng thường mắc là:


- Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi.


- Người có răng kém, hoặc có răng giả.


- Người mắc bệnh tâm thần.


- Người có thói quen ăn uống không cẩn thận (ăn nhanh, nuốt vội…).


- Người có bất thường cấu trúc thực quản, dạ dày, ruột

 

 

2. Các loại dị vật trong đường tiêu hóa trên:


Dị vật của đường tiêu hóa trên rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên, có thể phân làm 3 loại chính như sau:


- Dị vật thực sự bao gồm: đồng xu, lắc tay, nhẫn, xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin… và đây là loại dị vật trẻ em hay gặp nhất.


- Dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau.


- Dị vật dạng cục bã thức ăn: được tạo bởi bã, xơ thực vật, nhiều khi kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây… kết hợp với chất nhầy của dạ dày.


3. Dấu hiệu mắc dị vật đường tiêu hóa


Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất dị vật và vị trí mắc, thời gian mắc dị vật. 


- Tại thực quản: bệnh nhân thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; ở trẻ em có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,...


- Tại dạ dày: bệnh nhân có dấu hiệu đau vùng thượng vị, buồn nôn - nôn, đầy bụng, chậm tiêu.
4. Các biến chứng có thể gặp
Nếu mắc phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây ra xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp xe trong thành ống tiêu hóa, abces trung thất, abcess dưới hoành, abces trong ổ bụng, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc,... Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì.
Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do các thành phần là các chất độc có trong dị vật như nuốt pin, các loại đồ chơi có thủy ngân,...

Một bệnh nhi siêu âm phát hiện dị vật xuyên thành ruột và hình ảnh phẫu thuật nội soi hình ảnh que tăm xuyên thành ruột gây viêm phúc mạc.

5. Điều trị dị vật :
 Hiện nay người ta có thể sử dụng máy nội soi dạ dày ống mềm để chẩn đoán, xác định vị trí của dị vật, can thiệp điều trị và lấy dị vật qua nội soi.
Đối với các trường hợp không lấy được dị vật vì to quá, hoặc có thể gây nguy hiểm trong quá trình thao tác hoặc dị vật đã gây biến chứng thì cần phải phẫu thuật.
Khi phát hiện dị vật, điều quan trọng cần phải đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm can thiệp qua nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên chữa bằng thuốc nam hoặc bằng mẹo..., vì không khỏi mà để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng
Trường hợp em bé trên rất may mắn, dị vật bé nuốt vào được phát hiện sớm và chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm như loét, thủng thực quản, áp xe trung thất…, nên có thể nội soi lấy bỏ dị vật một cách dễ dàng mà không cần phải phẫu thuật.
6. Cách phòng bệnh:
Bác sỹ có một số lưu ý đối với các phụ huynh:
- Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn. Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ.
- Không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng vì trẻ dễ nuốt vào. Không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc. 
- Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở hoặc thực quản, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời,…

 

Trên đây là một số hình ảnh dị vật được lấy ra qua nội soi và phẫu thuật

Trẻ em như búp trên cành, vun chăm tích cực cho mầm thêm xanh


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 484
Tổng số lượt truy cập: 6344450