Thấu hiểu, yêu thương và đồng hành cùng trẻ tự kỷ
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng rối loạn phát triển thần kinh, đặc trưng bởi những khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp, cùng với các sở thích bị hạn chế và hành vi lặp đi lặp lại. Nhờ nhận thức của cộng đồng ngày càng được nâng cao, nhiều trẻ có cơ hội được phát hiện và chẩn đoán sớm, can thiệp chuyên biệt, từ đó tối ưu hóa kết quả phát triển lâu dài. Với trẻ tự kỷ, tình yêu thương, sự thấu hiểu của mọi người là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ sớm hoà nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn.

Khám sàng lọc tự kỷ ở trẻ.
Hành trình kiên nhẫn giúp trẻ tự kỷ hòa nhập
Trường hợp của bé N.M.N (5 tuổi, Nghi Phú, Nghệ An) là một minh chứng điển hình về lợi ích của việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Theo lời kể của mẹ bé, năm 2019, chị sinh đôi hai bé hoàn toàn khỏe mạnh. Trong những tháng đầu đời, cả hai bé phát triển thể chất bình thường. Tuy nhiên, khi được khoảng 12-15 tháng tuổi, gia đình bắt đầu nhận thấy một số dấu hiệu bất thường ở bé N.M.N như ít giao tiếp mắt, không phản ứng khi được gọi tên. Đến khoảng 24 tháng tuổi, bé N.M.N vẫn chưa nói được từ đơn có nghĩa, ít tương tác với người xung quanh, thích chơi một mình và có những hành vi lặp đi lặp lại như xếp đồ vật theo hàng dài hoặc quay bánh xe liên tục. Anh song sinh của bé cũng có dấu hiệu chậm nói.
Lo lắng trước những dấu hiệu này, gia đình đã đưa hai bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để thăm khám và thực hiện các test sàng lọc tự kỷ. Kết quả cho thấy cả hai bé đều có chậm phát triển ngôn ngữ, trong đó, bé N.M.N được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ. Ngay sau khi nhận được kết quả, gia đình đã kiên trì đồng hành cùng bé trong suốt quá trình can thiệp. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý và ngôn ngữ trị liệu, bé N.M.N dần có tiến triển tích cực. Sau 3 năm kiên trì trị liệu, bé đã có thể diễn đạt những nhu cầu cơ bản, trả lời một số câu hỏi đơn giản, biết sử dụng ánh mắt để giao tiếp và thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn. Hiện tại, bé đã tự tin đến trường, hòa nhập tốt hơn với bạn bè và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội.
Một trường hợp khác là gia đình hai bé sinh đôi N.V.H và N.V.M (5 tuổi, Vinh, Nghệ An) cũng trải qua hành trình tương tự khi cả hai bé có dấu hiệu rối loạn phát triển và cần can thiệp sớm, trong đó bé N.V.H được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ. Đến khoảng 18 tháng, nhận thấy cả hai bé chưa nói được từ đơn, gia đình lo lắng và đưa bé đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Cả hai bé đều có dấu hiệu chậm nói, trong đó bé N.V.H còn thể hiện ít giao tiếp mắt, không đáp ứng khi được gọi tên, bé cũng thể hiện một số hành động lặp đi lặp lại như đi nhón gót, xoay tròn, vẫy ngón tay trước mặt và có xu hướng thích duy trì thói quen cố định. Ngoài ra, bé N.V.H còn có một số nỗi sợ đặc biệt như sợ tiếng ồn lớn, sợ động vật và có biểu hiện căng thẳng khi tiếp xúc với môi trường không quen thuộc. Sau khi đánh giá và chẩn đoán, cả hai bé đều nhận được can thiệp tâm lý và ngôn ngữ trị liệu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đến nay. Với sự can thiệp tích cực của đội ngũ chuyên gia và sự đồng hành bền bỉ của gia đình, sau 3 năm, cả hai bé đã có sự tiến bộ rõ rệt. Hiện tại, các bé đã có thể giao tiếp bằng mắt tốt hơn, sử dụng một số cụm từ hoặc câu ngắn trong giao tiếp hằng ngày.
Câu chuyện của bé N.M.N và N.V.H cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, giúp trẻ có cơ hội phát triển tốt hơn và hòa nhập với cuộc sống.

Hiểu đúng và đồng hành cùng trẻ tự kỷ
Theo Thạc sỹ - Bác sỹ Trương Thị Quỳnh Ngân, khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng, nhận được chẩn đoán sớm (trong khoảng từ 2 đến 5 tuổi) có thể tạo cơ hội tiếp cận các liệu pháp hỗ trợ phát triển một số kỹ năng quan trọng ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như giao tiếp, tương tác xã hội và vận động. Việc can thiệp từ sớm có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của cả trẻ và gia đình. Vì não bộ của trẻ vẫn đang phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu đời, can thiệp sớm có thể mang lại hiệu quả đáng kể hơn so với việc bắt đầu trị liệu muộn.
Các dấu hiệu sớm của rối loạn phổ tự kỷ có thể được nhận biết thông qua mức độ phản ứng với tương tác xã hội. Một số biểu hiện bao gồm tránh hoặc không duy trì giao tiếp bằng mắt, không phản ứng khi được gọi tên vào khoảng 9 tháng tuổi và thiếu biểu lộ cảm xúc như vui vẻ, buồn bã, tức giận hoặc ngạc nhiên. Ở 12 tháng tuổi, trẻ không tham gia vào các trò chơi tương tác đơn giản như "ú òa" và cũng ít thực hiện các cử chỉ như vẫy tay chào tạm biệt. Đến 15 tháng tuổi, trẻ không chia sẻ sở thích với người khác, chẳng hạn như bày tỏ sự thích thú với các đồ vật yêu thích. Ở 18 tháng tuổi, trẻ không chỉ tay để biểu thị sự quan tâm đến một vật gì đó. Khi đến 24 tháng tuổi, trẻ không thể hiện sự nhận thức hoặc đồng cảm khi người khác bị đau hoặc buồn. Đến 36 tháng tuổi, trẻ không quan sát hoặc có xu hướng tham gia chơi cùng bạn bè. Ở 48 tháng tuổi, trẻ không tham gia vào trò chơi giả vờ, chẳng hạn như đóng vai giáo viên hoặc siêu nhân. Cuối cùng, đến 60 tháng tuổi, trẻ không thể hiện các hoạt động như hát, nhảy hoặc biểu diễn.
Những hành vi mang tính hạn chế hoặc lặp lại có thể bao gồm sự quan tâm đặc biệt đến một trật tự nhất định của đồ vật và trở nên khó chịu khi trật tự này bị thay đổi. Trẻ cũng có thể lặp đi lặp lại từ ngữ hoặc cụm từ (hiện tượng nhại lời - echolalia). Các hành vi lặp lại khác có thể bao gồm chơi đồ chơi theo cùng một cách mỗi lần, tập trung quá mức vào một phần cụ thể của đồ vật (như bánh xe), phản ứng mạnh với những thay đổi nhỏ, có sở thích ám ảnh, tuân thủ nghiêm ngặt một số thói quen nhất định, vỗ tay liên tục, đung đưa người hoặc tự quay vòng. Trẻ cũng có thể có phản ứng bất thường với các kích thích giác quan như âm thanh, mùi, vị, hình dạng hoặc kết cấu của vật thể.

Hàng năm, ngày 2/4 được Liên hợp quốc chọn là "Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ", một dịp để cộng đồng tăng cường sự quan tâm đến những người mắc hội chứng này. Khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An luôn là địa chỉ tin cậy trực tiếp khám và điều trị cho trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ, đồng hành cùng các em và gia đình trên hành trình phát triển. Mỗi ngày, khoa đón khoảng 20-30 trẻ đến khám, trong đó không ít trẻ có các biểu hiện sớm của rối loạn phổ tự kỷ.
Việc phát hiện sớm những dấu hiệu dù là nhỏ nhất và triển khai các biện pháp can thiệp toàn diện, kịp thời sẽ mở ra cơ hội vô giá, giúp trẻ từng bước vượt qua những khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng và hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống. Hành trình yêu thương, đồng hành cùng trẻ tự kỷ đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng và các chuyên gia, để mở ra tương lai tươi sáng cho các em nhỏ.