Những điều cần biết về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Bệnh vàng da sơ sinh là gì?
Vàng da sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng, thường là do tăng bilirubin gián tiếp – một thành phần được giải phóng ra khi hồng cầu bị vỡ. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, xuất hiện ở khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non.
Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có khi tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh (bệnh lý não cấp và mạn do bilirubin), do bilirubin gián tiếp thấm vào não. Hậu quả là trẻ sẽ tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời.
Nhận diện các triệu chứng vàng da:
Bộc lộ toàn thân trẻ và quan sát ở nơi đủ ánh sáng (tốt nhất là ánh sáng mặt trời).
- Sự thay đổi màu vàng da sẽ dễ nhận thấy đầu tiên ở mặt, sau đó là ngực, bụng, cánh tay, cuối cùng là ở chân.
- Có thể kiểm tra bằng cách ấn một ngón tay lên trán hoặc mũi của trẻ. Nếu trẻ có vàng da thì khi rút ngón tay ra da sẽ có màu vàng.
- Có thể theo dõi ở một số trẻ bằng cách ấn vào các điểm nổi bật của xương ở ngực, hông và đầu gối để kiểm tra xem tình trạng vàng da có trầm trọng hơn hay không.
- Kiểm tra nhiều lần trước khi trẻ rời bệnh viện sau khi sinh. Nếu đưa bé về nhà sớm hơn ba ngày sau khi sinh, nên kiểm tra màu da của bé hàng ngày cho đến lần hẹn khám tiếp theo. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng để kiểm tra trong vòng một đến ba ngày sau khi về nhà.
Phân loại vàng da ở trẻ sơ sinh: Được chia làm hai loại chính
Vàng da sinh lý:
- Tự hết trong vòng 7-10 ngày.
- Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì…
- Trẻ bị vàng da sinh lý có chỉ số bilirubin không quá ngưỡng phải can thiệp điều trị. Đồng thời, tốc độ tăng bilirubin không quá 3mg%/24 giờ.
Vàng da bệnh lý:
- Vàng da đậm xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Vàng da không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân.
- Không hết vàng da sau 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ non tháng.
- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
- Vàng da ở trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai.
Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh được gây ra bởi sự tích tụ bilirubin trong máu. Đây là một chất có màu vàng được tạo ra khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Gan là cơ quan có chức năng loại bỏ bilirubin bằng cách di chuyển chúng vào ruột rồi tống ra ngoài. Tuy nhiên, gan của trẻ sơ sinh còn non yếu nên chưa thể loại bỏ bilirubin một cách nhanh chóng dẫn đến tình trạng tích tụ bilirubin gây vàng da.
Trong một số trường hợp, trẻ bị có thể bị vàng da do bệnh lý bao gồm:
- Trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết.
- Tế bào hồng cầu bất thường: có quá nhiều hồng cầu, hồng cầu hình lưỡi liềm,…
- Bệnh lý về gan: viêm gan, xơ nang,…
- Thiếu men G6PD.
- Nhóm máu không tương thích với mẹ như bất đồng nhóm máu ABO, Rh.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ vàng da ở trẻ sơ sinh như: Trẻ sinh non, trẻ bú kém, trẻ có nguồn gốc từ các dân tộc Đông Á hoặc Địa Trung Hải…
Cách phát hiện vàng da sơ sinh
Thông thường cách phát hiện tốt nhất là đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ thăm khám, chỉ định xét nghiệm máu để xác định mức bilirubin toàn phần, định lượng các loại bilirubin trực tiếp – gián tiếp và kiểm tra các chức năng gan cơ bản, từ đó định hướng tìm ra nguyên nhân gây bệnh và tiên lượng mức độ nặng của bệnh.
Chăm sóc trẻ bị vàng da
- Cho trẻ bú mẹ tích cực.
- Giữ vệ sinh thân thể cho trẻ, đặc biệt là rốn và những vùng da khác.
- Giữ ấm cho trẻ.
- Không cho trẻ nằm tại phòng tối trong thời gian quá dài, cần liên tục theo dõi tình trạng vàng da của trẻ ở nơi có ánh sáng thường. Nếu có những biểu hiện nặng nề hơn thì đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức.
Nếu tình trạng vàng da sơ sinh kéo và những biểu hiện khác như bỏ bú, kéo dài quá lâu thì nên được trẻ đến bệnh viện để được áp dụng các phương pháp điều trị như sau:
- Chiếu đèn: Đây là một trong những phương pháp điều trị vàng da sơ sinh phổ biến và an toàn nhất hiện nay.
- Thay máu cho trẻ: Là biện pháp được chỉ định khi vàng da quá nặng, lan đến vùng lòng bàn tay và bàn chân cũng như có những rối loạn tri thức.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An luôn là địa chỉ thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ được nhiều cha mẹ tin tưởng lựa chọn. Đến đây điều trị bệnh với đối ngũ y bác sỹ giỏi, thấu hiểu tâm lý trẻ, bé sẽ cảm thấy thoải mái như đang ở nhà.