Bé gái 01 tuổi mắc tắc tả tràng bẩm sinh hiếm gặp
Vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 01 tuổi (trú tại TT.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện với tình trạng mắc hội chứng Down, khi ăn vào thì nôn nhiều kèm đi ngoài phân su. Sau khi thăm khám, Bác sĩ đã chỉ định các cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán tình trạng bệnh cho trẻ. Bệnh nhi được thực hiện siêu âm ổ bụng, qua đó các bác sĩ đã nhận thấy dạ dày cháu giãn lớn, bên trong chứa nhiều hơi và dịch, đoạn DI – DII tá tràng giãn lớn chứa dịch có nhu động đảo chiều, hình ảnh X-Quang ổ bụng thấy hình ảnh bóng đôi. Qua những hình ảnh siêu âm, bệnh nhi được chẩn đoán tắc tá tràng.
Tắc tá tràng là tình trạng xảy ra khi một phần của tá tràng không hình thành. Tình trạng này dẫn đến tắc nghẽn khiến thức ăn (sữa) hoặc chất lỏng từ dạ dày không thể đi xuống phía dưới một cách bình thường được.
Tắc tá tràng bẩm sinh là bệnh hiếm gặp. Đây có thể là một dị tật riêng rẻ nhưng cũng có lúc phối hợp với các dị tật khác, hay gặp ở trẻ sơ sinh mắc hội chứng Down. Khoảng 1 trong 3 trẻ sinh ra bị tắc tá tràng có hội chứng Down. Ngoài ra, tắc tá tràng bẩm sinh thường có tỷ lệ cao với một số dị tật khác như tim bẩm sinh, teo thực quản, dị tật đường tiết niệu...
Phân loại tắc tá tràng:
- Loại 1 (90%): Tắc tá tràng do màng ngăn có hoặc không có lỗ thông.
- Loại 2: Thể dây xơ nối 2 túi cùng với nhau.
- Loại 3: Thể gián đoạn mạc treo, 2 túi cùng hoàn toàn tách biệt nhau.
Đoạn đầu tá tràng trên chỗ tắc dãn to, ngược lại dưới chỗ tắc sẽ teo nhỏ. 85% vị trí tắc dưới bóng Vater.
Sau khi chẩn đoán được tình trạng của trẻ mắc teo giãn tá tràng đoạn DII và DIII tá tràng (Tắc tá tràng type III), trẻ đã được chỉ định phẫu thuật để chữa trị kịp thời.
Hình ảnh siêu âm và x-quang của bệnh nhi:
Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An