Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Nguy cơ từ vật nuôi: Nỗi lo từ những vết thương

Thời gian gần đây, Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận và điều trị nhiều ca trẻ em bị vật nuôi tấn công, để lại những vết thương phức tạp và cả nỗi ám ảnh với trẻ nhỏ. Những tai nạn này không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và thẩm mỹ của trẻ.

 

Hình ảnh bệnh nhận sau khi đước phẫu thuật.

 

Trường hợp thứ nhất, bệnh nhi K.N.T 8 tuổi (xã Nghĩa Khánh – Nghệ An) trong khi sang nhà họ hàng chơi thì bất ngờ bị chó của chủ nhà tuột xích xông vào tấn công. Sau khi bị tấn công, vùng mặt trẻ chảy nhiều máu và được gia đình sơ cứu tại nhà. Sau khi sơ cứu, trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám và điều trị lúc 20h cùng ngày. 


Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện vết rách ở phần môi, má và vết cắn nhỏ ở vùng đùi – mông. Các vết thương tuy không lớn nhưng lại ngay phần mặt, nhất là phần môi dễ gây sẹo co kéo lệch môi khi trẻ nói chuyện hoặc cười. Đồng thời, vết thương cũng ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và tâm lý trẻ khi giao tiếp. Các bác sỹ khoa Răng Hàm Mặt đã nhanh chóng phẫu thuật khâu vết thương cho trẻ. Sau phẫu thuật, sức khỏe trẻ ổn định nhưng tâm lý vẫn chưa hết hoảng sợ. 


Trường hợp thứ 2, bệnh nhi V.N.B.A (3 tuổi, xã Quỳ Hợp, Nghệ An) bị chó nhà tấn công. Sau khi bị, trẻ tỉnh táo nhưng bị chảy máu vùng mặt. Trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện Quỳ Hợp sơ cứu. Ngay sau đó, trẻ được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp tục điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện vết thương rách phức tạp vùng mặt dài khoảng 5 cm, tổn thương sâu. Các bác sĩ đã tiến hành xử lý vết thương, khâu thẩm mỹ cho trẻ. 

Sau phẫu thuật, cả 2 trẻ được hướng dẫn đến trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn về tiêm phòng bệnh dại và uốn ván.


 BSCKI. Nguyễn Quang Hà (khoa Răng Hàm Mặt) khuyến cáo để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc, các bậc phụ huynh cần lưu ý: Giám sát chặt chẽ, luôn để trẻ chơi ở nơi an toàn và có người lớn giám sát; Dạy trẻ cách ứng xử với vật nuôi: Không cho trẻ trêu chọc, ôm hôn khi thú cưng đang ăn hoặc ngủ. Đặc biệt, cần quản lý vật nuôi chặt chẽ, tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo, không thả rông và luôn đeo rọ mõm khi ra ngoài.


Khi trẻ không may bị vật nuôi tấn công, việc sơ cứu ban đầu và xử lý kịp thời là rất quan trọng: Vệ sinh vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong khoảng 15 phút. Sau đó, sát trùng bằng cồn 70 độ hoặc Povidine. Ngay sau sơ cứu, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được làm sạch, xử lý vết thương và tiêm phòng dại, uốn ván đầy đủ. Chủ động phòng ngừa và xử lý đúng cách sẽ giúp bảo vệ con trẻ khỏi những nguy hiểm từ vật nuôi.


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 388
Tổng số lượt truy cập: 7074897