Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Nội soi gắp dị vật thực quản cho bệnh nhi 7 tháng tuổi

Vừa qua, ekip các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng và khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã thực hiện nội soi gắp dị vật nguy hiểm trong thực quản cho bệnh nhi nhỏ tuổi.

Trường hợp bé N.Đ.K (7 tháng tuổi, Phường Cửa Lò) được gia đình đưa đến trong tình trạng khó nuốt, quấy khóc, nôn trớ khi ăn. Sau khi thăm khám lâm sàng, khai thác bệnh sử, chụp X-Quang ngực, các bác sĩ đã phát hiện dị vật kim loại nằm chắn ngang thực quản, kích thước 16x14mm. Nhận thấy đây là một trường hợp nguy hiểm, do dị vật nằm chắn ngang thực quản và không thể tự trôi ra ngoài theo đường tiêu hóa nên các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành nội soi gắp dị vật cấp cứu.

 

Hình ảnh chụp Xquang phát hiện dị vật ở trong người bệnh nhi.

 

Sau hơn 20 phút khẩn trương và cẩn thận, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng phối hợp với khoa Gây mê đã tiến hành nội soi gắp thành công dị vật là cúc áo hình trái tim. Sau thủ thuật, trẻ hồi phục tốt và đang theo dõi sau nội soi tại khoa Tai Mũi Họng.

 

Hình ảnh dị vật sau khi được lấy ra khỏi người bệnh nhi.


Qua sự việc trên là lời cảnh báo cho rất nhiều bậc phụ huynh về mối nguy hiểm tiềm ẩn từ những vật dụng tưởng chừng vô hại trong nhà.

Theo ThS.BS. Phan Quang Trung – Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng: Dị vật thực quản là một tình huống cấp cứu thường gặp trong đời sống hàng ngày ở trẻ nhỏ.Đặc biệt là độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi – giai đoạn các bé hay đưa mọi thứ vào miệng để khám phá – đây là tai nạn thường gặp, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời.  Những vật tròn, nhẵn, kích thước nhỏ như cúc áo, đồng xu, pin cúc áo, viên bi, hoặc mảnh đồ chơi nhựa rất dễ bị trẻ nuốt phải. Với trường hợp cúc áo hình tim, do có cạnh sắc và hình dạng đặc biệt, dị vật này có thể: Gây xước, loét niêm mạc thực quản; chặn đường ăn uống, gây nôn ói, sặc, thậm chí suy hô hấp nếu trào ngược. Từ đó dẫn đến nhiễm trùng, áp xe trung thất, hoặc thủng thực quản nếu để lâu.

Nếu trẻ có các dấu hiệu sau: Đột ngột quấy khóc, bỏ bú; Khó nuốt, hay nôn ói sau ăn; Chảy nước dãi nhiều, ho khan kéo dài; Thở khò khè, sặc, tím tái (khi dị vật lớn chèn ép khí quản). Cha mẹ hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn hay chỉ chờ đợi với mục đích làm dị vật “trôi” xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 85
Tổng số lượt truy cập: 7053270