Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh và cách phòng ngừa mẹ nên biết

 Hàng năm, cứ đến thời điểm tháng 3, tháng 4 khi thời tiết bắt đầu chuyển nắng nóng bệnh thủy đậu sẽ bước vào cao điểm. Bệnh thủy đậu ( dân gian thường gọi là bỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh, xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Bệnh thủy đậu gặp ở độ tuổi sơ sinh thường nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt những trường hợp mẹ nhiễm thủy đậu trong vòng 7 ngày trước sinh, virus thủy đậu qua bánh rau đi vào trong máu trẻ. Trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh ra đã mang virus trong máu, thể này thường nặng hơn các thể nhiễm thủy đậu sau sinh và có nguy cơ tử vong rất cao.

Tính từ tháng 2/2021 đến nay, khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân sơ sinh bị thủy đậu. Gần đây nhất là trường hợp của 2 bé sơ sinh mắc thủy đậu ngay sau sinh do mẹ bị thủy đậu trước sinh 3-4 ngày.

Trường hợp thứ nhất là bé T.M.H (Tp.Hà Tĩnh). Bé nhập viện ngày 13/2 trong tình trạng suy hô hấp nặng, kích thích, thở rên, trên da không có ban, nốt phỏng, tim nhịp đều, phổi có ran ẩm, trẻ được chỉ định thở máy, xquang tim phổi có hình ảnh viêm phổi. Được biết trước đó mẹ của bé có bị thủy đậu trước sinh 3 ngày

Trường hợp thứ 2 là bé H.N.G (Tp.Vinh) . Bé nhập viện ngày 17/2 trong tình trạng thở nhanh, da tái, không có ban trên da, phổi thông khí kém phải hỗ trợ thở máy. Gia đình cho biết bé được đẻ mổ lúc 35 tuần là trường hợp sinh non yếu, tím tái, mẹ của bé có bị thủy đậu trước sinh 4 ngày.

Hai bé T.M.H và bé H.N.G đều vào viện trong bệnh cảnh viêm phổi do thủy đậu. Viêm phổi trên bệnh nhân thủy đậu có thể tiến triển thành hoại tử phổi, ngoài ra thủy đậu có thể gây nên biến chứng viêm não, viêm gan tối cấp ở trẻ sơ sinh. Hai bệnh nhân này được điều trị tích cực bằng IVIG( Immunoglobumin miễn dịch) ngay sau nhập viện và kháng virus Acyclovir. Sau 12 ngày điều trị, được các bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị đúng phác đồ thì sức khỏe của hai bé ổn định và đã được ra viện.

 

( Hình ảnh minh họa khi trẻ bị thủy đậu)

Theo BS. Hồ Thảo Ngọc - Bác sĩ điều trị khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết nếu người mẹ bị thủy đậu trước sinh trong vòng 7 ngày thì virus sẽ truyền qua rau thai vào máu gây bệnh cho trẻ khi sinh. Lúc này cơ thể mẹ chưa sản xuất kháng thể để truyền qua rau thai cho con. Những trẻ này nhiễm vius từ trong máu nên nặng và nguy cơ tử vong cao. Đối với những trẻ có bà mẹ bị thủy đậu trước sinh 7 ngày, cần được nhập viện theo dõi, điều trị gobulin miễn dịch, thuốc kháng virus kịp thời. Đặc biệt những trẻ có nguy cơ cao như trẻ đẻ non, cân nặng thấp và người mẹ nhiễm virus thủy đậu trước sinh 4 ngày, sau sinh 2 ngày....

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có thể lây qua đường hô hấp và tiếp xúc da. Trường hợp mẹ bị thủy đậu cho con bú hoặc người thân bị thủy đậu rất dễ lây cho bé, tiếp xúc trẻ. Do đó nếu mẹ hoặc người thân gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào, cần ngay lập tức cách ly với trẻ, ngừng cho con bú để tránh lây nhiễm virus cho trẻ.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Tiêm phòng đầy đủ

Mẹ nên có kế hoạch phòng bệnh ngay trong thai kỳ. Trước khi mang thai 3-6 tháng mẹ nên lên kế hoạch tiêm phòng thủy đậu. Điều này không chỉ giúp mẹ phòng bệnh mà cũng ngăn chặn khả năng mầm bệnh lây sang cho bé. Sau khi bé chào đời, kháng thể này lại được tiếp tục phát huy qua đường sữa mẹ. Ít nhất trong năm đầu tiên, bé sẽ hạn chế nguy cơ bị thủy đậu.

Cách ly với bé nếu mẹ bị thủy đậu

Nếu mẹ đang trong giai đoạn cho con bú mà bị thủy đậu mẹ nên ngừng ngay việc cho bé bú. Hạn chế việc tiếp xúc với bé là một điều khá khó khăn nhưng mẹ nên tuân theo để đảm bảo an toàn cho con. Tuy không cho bé bú, mẹ cũng nên vắt sữa thường xuyên để có thể duy trì lượng sữa sản xuất sau khi mẹ hết bệnh.  

(BS Hồ Ngọc Thảo - Khoa Hồi sức Sơ sinh)

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 493
Tổng số lượt truy cập: 6344579