Chọc ối được thực hiện như thế nào? Có đau không?
Chọc ối là một thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán trước khi sinh sau khi bác sĩ phát hiện thai nhi có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể.
Vậy chọc ối được thực hiện như thế nào và có những lưu ý gì mà thai phụ cần biết trước khi chọc ối?
Vị trí chọc ối dưới hướng dẫn của siêu âm
1. Chọc ối được thực hiện như thế nào?
Chọc ối là một xét nghiệm trước sinh giúp bác sĩ thu thập mẫu nước ối của thai nhi. Mục đích của thủ thuật chọc ối là để chẩn đoán xác định xem thai nhi của mẹ có bị mắc phải những rối loạn di truyền nhất định hoặc bất thường nhiễm sắc thể hay không.
Quy trình thực hiện chọc ối như thế nào được mô tả qua các bước tóm tắt như sau:
Đầu tiên, thai phụ nằm xuống với tư thế được chỉ định và bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để xác định tư thế của thai và tình trạng nhau thai.
Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ xác định được vị trí chọc ối an toàn cho cả thai nhi và thai phụ. Sau đó, bác sĩ sát khuẩn phần bụng của người mẹ với chất khử trùng. Có thể không cần gây tê, giảm đau khi chọc ối.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu tiêm dài và mảnh, nhỏ để chọc vào vị trí đã khử trùng trước đó, rút khoảng 15 - 20ml. Quá trình rút nước ối mất khoảng 30 giây. Mẫu nước ối này sau đó sẽ được chuyển tới labo di truyền để kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết.
Sau khi lấy nước ối, bác sĩ sẽ kiểm tra lại xem em bé trong bụng mẹ vẫn khỏe mạnh hay không và có bị ảnh hưởng gì sau khi chọc ối không. Bác sỹ dặn dò chu đáo, và hướng dẫn nghỉ ngơi, theo dõi.
Hình ảnh chọc ối tại TTSLCĐTS và SS Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
2. Khi nào thai phụ cần thực hiện chọc ối?
Bởi vì chọc ối có thể tồn tại một số rất ít rủi ro cho thai phụ hay thai nhi, nên chỉ thực hiện trên những thai phụ có nguy cơ cao bất thường về di truyền. Cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối ở những phụ nữ mang thai có những yếu tố nguy cơ sau:
- Thai phụ lớn tuổi (> 38 tuổi)
- Thai phụ hoặc chồng có thành viên trong gia đình mắc các hội chứng liên quan đến rối loạn trong bộ nhiễm sắc thể;
- Bản thân thai phụ hoặc chồng có mang bệnh lý di truyền, mang gen bệnh (Thalassemia)
- Thai phụ đã có kết quả xét nghiệm sàng lọc Double test, Tripble test, NIPT… nguy cơ cao.
- Kết quả siêu âm cho thấy tăng khoảng sáng sau gáy hoặc dấu hiệu bất thường hình thái thai nhi.
Nếu bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần thực hiện chọc ối, thủ thuật này thường sẽ được thực hiện vào khoảng giữa tuần 16 - 20 của thai kỳ.
Hình ảnh mẫu ối sau chọc ối tại TTSLCĐTS và SS Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
3. Chọc ối có đau ko?
Mặc dù bị lấy đi một lượng nước ối nhưng cơ thể thai phụ sẽ ngay lập tức tái tạo lại lượng nước ối được lấy ra và bé sẽ không bị tình trạng thiếu ối sau khi chọc ối.
Tuy nhiên, chọc ối có đau không còn tùy thuộc vào tình trạng của từng bà bầu. Một số trường hợp sẽ cảm thấy hơi nhói lúc chọc ối (cảm giác như lúc lấy máu xét nghiệm) và một số mẹ bầu có cảm giác hơi khó chịu ở vùng bụng sau đó vài giờ. Để khắc phục tình trạng đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống và dặn thai phụ nên nghỉ ngơi vào ngày chọc ối. Ngày hôm sau, các tình trạng trên sẽ giảm.
Bên cạnh đó, chọc ối cũng có thể có một số rủi ro rất hiếm gặp về khả năng gây tai biến, như sẩy thai, vỡ ối, nhiễm trùng. .. Tuy nhiên, tỷ lệ này tương đương với các bà mẹ mang thai trong cộng đồng, theo các nghiên cứu gần đây, nguy cơ xảy ra sảy thai khi chọc ối là 1/500 (có nghĩa là cứ 500 sản phụ thực hiện chọc ối sẽ có 1 người bị sảy thai ngoài ý muốn).
Hình ảnh lấy mẫu ối tại TTSLCĐTS và SS Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Có một số phương pháp khác có thể thay thế hoặc hỗ trợ cho thủ thuật chọc ối:
Sinh thiết gai rau: Là một thủ thuật chẩn đoán trước sinh, trong đó lấy đi xét nghiệm một mẫu mô của nhau thai thay vì nước ối. Sinh thiết gai rau được thực hiện giữa tuần thứ 12 và 14 của thai kỳ.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định một phương pháp xét nghiệm hình ảnh đặc biệt hoặc xét nghiệm máu. Tuy nhiên những xét nghiệm cận lâm sàng này chỉ giúp bác sĩ biết rằng thai nhi của bạn có đang gặp vấn đề gì không, chứ không cung cấp nhiều thông tin để chẩn đoán chính xác.
Trước khi tiến hành thủ thuật chọc ối, thai phụ có thể tìm hiểu và tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể ra quyết định phù hợp và đúng thời điểm.
4. Thai phụ cần làm gì sau chọc ối?
Sau khi chọc ối xong, thai phụ cần theo dõi tại bệnh viện khoảng 20 phút để bác sĩ theo dõi, kiểm tra sau chọc ối, dặn dò, kê đơn rồi mới được xuất viện. Hầu hết các thai phụ đều cảm thấy chọc ối diễn ra bình thường, không gây phiền hay đau đớn. Thông thường các thai phụ cần nghỉ ngơi tuyệt đối khoảng 1 giờ hoặc hơn sau khi đã về nhà. Trong vòng 1 ngày sau khi chọc ối, thai phụ cần tránh mang vác đồ nặng, không giao hợp. Ngày hôm sau, các hoạt động sinh hoạt có thể trở về bình thường.
Thai phụ chọc ối xong cần được nghỉ ngơi trong vòng 24 giờ
5. Chọc ối sau bao lâu có kết quả?
Thai phụ sẽ được dặn dò đến cơ sở ý tế để nhận kết quả về. Chọc ối bao lâu có kết quả còn tùy thuộc độ phức tạp của phương pháp xét nghiệm và mẫu nước ối. Thường thì kết quả thực hiện chọc ối sẽ có hai phần phần kết quả nhanh như Bobs hay QF-PCR sẽ trả lời sau 2 – 5 ngày, kết quả nuôi cấy, xét nghiệm gen trong khoảng 2 - 5 tuần. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể phải đợi đến tuần thứ 5 mới có kết quả. Khi nhận được kết quả, bác sĩ sẽ kiểm tra và hướng dẫn cho thai phụ về các tình huống xấu có thể xảy ra. Từ đó, cặp vợ chồng có thể cùng với bác sĩ lên kế hoạch chăm sóc và điều trị thích hợp sau khi bé chào đời, hay đối với một số bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bé trước khi sinh nếu như có thể.
Trung Tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An được thành lập năm 2017 theo quyết định của Tổng cục Dân số phụ trách 3 tỉnh Bắc Trung Bộ, được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao sẽ tư vấn và tiên lượng cụ thể về nguyên nhân và các khả năng có thể xảy ra đối với thai phụ cũng như thế hệ tương lai, từ đó đưa ra các chỉ định cần thiết và hợp lý, bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Địa chỉ: Tầng 1, Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - khu điều trị sản phụ khoa, số 19 Tôn Thất Tùng, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh.
Email: cdtssannhinghean@gmail.com
Website: http://sanglocts.sannhinghean.vn
ĐT tư vấn: 0914.796.228
TTSL CHẨN ĐOÁN TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH