Tắm cho trẻ sơ sinh
Với những người lần đầu làm mẹ, tắm cho trẻ sơ sinh chưa bao giờ là một việc dễ dàng, thậm chí có thể xem như một “nhiệm vụ bất khả thi” của nhiều mẹ.
Không giống như người lớn, việc tắm cho trẻ sơ sinh hàng ngày là điều không cần thiết. Thực tế, các bé chỉ cần mẹ tắm khoảng 2-3 lần/ tuần, và thường xuyên được rửa mặt, lau những vùng được quấn tã hàng ngày là đủ.
Việc tắm cho bé quá nhiều ngược lại sẽ làm trôi mất lớp bảo vệ tự nhiên trên da.
Tắm là động tác vuốt ve và xoa bóp cho da trẻ được sạch sẽ và kích hoạt sư lưu thông máu trong cơ thể; có lợi cho nhịp tim, cho hô hấp và tiêu hoá của trẻ.
Hình ảnh minh họa tắm cho trẻ sơ sinh
Tắm cho trẻ cần chuẩn bị những gì?
- Thau tắm cho bé: Để tránh trường hợp mẹ bị trượt tay khi tắm cho bé, mẹ nên chọn loại thau tắm phù hợp với độ tuổi và vóc dáng của con. Mẹ có thể ưu tiên những loại thau tắm bé có thiết kế đặc biệt để bé có thể nửa nằm nửa ngồi một cách an toàn.
- Khăn tắm: Nên chọn loại khăn lông mềm, làm bằng sợi tự nhiên. Đặc biệt, mẹ nên lưu ý tránh những sợi vải thừa trên khăn vì chúng có thể chạm, móc vào da của bé.
- Sữa tắm cho bé: Nên chọn những loại dành riêng cho trẻ sơ sinh, ít bọt, ít mùi hương để tránh gây kích thích da của bé.
- Vật dụng khác như khăn sữa, quần áo, vớ tay chân… Mẹ nên chuẩn bị sẵn để khi bé tắm xong có thể sử dụng ngay.
Các bước tắm cho trẻ sơ sinh sạch và an toàn
- Đổ nước vào thau tắm, theo thứ tự nóng trước lạnh sau. Chú ý nước tắm cho con phải đủ ấm, nhưng không được quá 32 độ C.
- Bắt đầu rửa mặt cho bé bằng một miếng bông gòn thấm nước ấm. Dùng bông lau sạch mí mắt, khóe mắt bé theo hướng từ trong ra ngoài.
- Dùng tăm bông vệ sinh tai của bé. Lưu ý chỉ vệ sinh vành tai, không đưa tăm bông vào sâu trong tai con.
- Dùng khăn sạch nhúng nước lau nhẹ các bộ phận trên cơ thể, bắt đầu từ mặt đến chân. Lau kỹ những vùng da có nếp gấp như cổ, nách, kẽ ngón tay, chân, hai bên bẹn, vùng kín, hậu môn…
- Nếu muốn gội đầu cho bé, mẹ cho con vào thau theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, vòng hai tay sau lưng giữ chặt nách và cánh tay. Dùng một tay đỡ đầu, vai, gáy của con, tay kia xoa nước lên đầu con. Lưu ý tránh để nước vào mắt, tai bé.
- Sau khi tắm, dùng khăn lau khô đầu, mình của bé, mặc áo đóng bỉm quấn chăn ủ ấm ngay
- Kết thúc “quy trình”, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi và tai của bé.
Với những bé chưa rụng rốn, mẹ cần thêm những bước sau vào “quy trình” của mình:
- Dùng bông gòn thấm nước lau sạch rốn, sau đó tiếp tục dùng bông gòn khô thấm khô cuống rốn và chân rốn.
- Sử dụng cồn 70 độ sát trùng da quanh rốn của bé
Những lưu ý khi tắm cho trẻ
- Tắm cho bé trong phòng kín gió, nhiệt độ phòng khoảng 28-30 độ C
- Cắt móng tay gọn gàng, và rửa tay bằng xà phòng trước khi tắm cho bé
- Không nên tắm cho bé quá lâu, mỗi lần chỉ nên tắm cbé khoảng 5 phút. Những bé trên 3 tháng tuổi, thời gian tắm có thể lâu hơn, nhưng không nên quá 10 phút.
- Không nên đổ quá nhiều nước trong thau tắm, 5-8 cm là ổn.
- Không nên để bé một mình trong khi tắm, dù chỉ 1 giây
- Không nên tắm sau khi bé vừa bú no. Tắm trước khi bú sẽ giúp con ăn ngon miệng, và ngủ ngon hơn.
Nguyễn Thu Hiền – P.QLCL&CTXH