Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà

Tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em. Bé đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước.

Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng . Điều này rất nguy hiểm , cơ thể bé sẽ nhanh chóng bị khô kiệt và có thể dẫn đến tử vong nếu không được bù nước nhanh chóng và thích hợp. 



Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể kéo dài 7 -14 ngày

 

Tiêu chảy còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy dinh dưỡng. Lý do chính là trẻ ăn ít đi trong khi bị tiêu chảy và khả năng hấp thu chất dưỡng cũng bị giảm một phần, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ lại cần phải cao hơn để chống lại bệnh.

Tại sao trẻ bị tiêu chảy ?

          Do thức ăn vệ sinh kém:

          - Cho trẻ ăn thức ăn bị ôi thiu

          - Thức ăn không được bảo quản tốt để ruồi nhặng bậu vào

          - Không rửa tay trước khi ăn

          - Dụng cụ cho trẻ ăn không được rửa sạch như : bát, đĩa, cốc, chén

          Do một số nguyên nhân khác:

          - Trẻ bị thiếu men gây rối loạn tiêu hóa

          - Thực hành ăn dặm chưa đúng cách, ví dụ cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn mới lạ trong một lúc.

Biểu hiện khi trẻ bị tiêu chảy

          Trẻ đi ỉa nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước mùi tanh hoặc chua, không có máu hoặc mũi lẫn trong phân. Tùy theo số lần đi ỉa trong ngày mà biểu hiện các dấu hiệu mất nước khác nhau. Có 3 mức độ mất nước :

          - Độ 1: Trẻ chỉ khát nước, khô môi, quấy khóc, lượng nước tiểu hàng ngày bình thường.

          - Độ 2: Trẻ khát nước nhiều, độ co giãn da kém, lượng nước tiểu giảm.

          - Độ 3: Da nhăn nheo, mắt trũng sâu, thóp trũng, môi khô, khát nước nhiều, vật vã, đái ít.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà

          Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy

          Đối với trẻ bị tiêu chảy vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải bồi phụ lại lượng nước đã mất do trẻ đi ỉa nhiều lần mà phương pháp bù bằng đường miệng là phương pháp tốt nhất.

          - Để ngừa mất nước, cho trẻ uống dung dịch ORESOL sau mỗi lần trẻ tiêu lỏng. ORESOL là một dung dịch điện giải  không có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng rất hiệu quả trong việc bù lại một số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân.

          Cách pha dung dịch ORESOL: một gói pha với 1 lít nước đun sôi để nguội, lượng uống tùy theo lứa tuổi. Nếu không có ORESOL có thể pha nước muối đường theo tỷ lệ: 1 muỗng cà phê muối - 8 muỗng cà phê đường - 1 lít nước cho người bệnh uống.

          - Sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là loại " nước" rất tốt, vì thế nên cho trẻ bú mẹ nhiều hơn và mỗi bữa cho bé bú lâu hơn.

          - Có thể cho trẻ uống thêm các loại nước sau: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt ( không thêm hoặc thêm rất ít đường) , nước dừa tươi.

          - Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tuy nhiên nếu trẻ quá thèm , có thể pha loãng ít nhất 3-4 lần.

          Cho trẻ ăn và bú nhiều bữa hơn thường ngày để có sức, mau lành bệnh

          - Cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày, Thức ăn cần nấu nhừ .

          - Tuyệt đối không bắt trẻ nhịn ăn để " ruột nghỉ ngơi". Điều này rất sai lầm và nguy hiểm. Thực tế dù trẻ bị tiêu chảy nhưng vẫn còn khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng.

          Cho trẻ tái khám đúng lúc để được theo dõi và xử lý kịp thời khi bệnh diễn biến nặng hơn

          Tiêu chảy thường giảm sau 5 -12 ngày, trẻ bắt đầu chơi và đòi ăn trở lại và lúc này cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong ít nhất 2 tuần để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, một số ít trường hợp trẻ bị tiêu chảy có diễn biến phức tạp. Trong thời gian chăm sóc tại nhà cần theo dõi và phát hiện những diễn biến không thuận lợi và nhanh chóng đưa trẻ đi khám lại ngay để xử trí kịp thời.

          Phòng ngừa bệnh tiêu chảy

          - Thường xuyên rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ với nước sạch và xà phòng: trước và sau khi chăm sóc trẻ; trước khi cho trẻ ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh.

          - Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:  ăn chín, uống chín.

          - Uống vitamin A định kỳ theo hẹn của nhân viên y tế.

           Trẻ phải được tiêm chủng vắc - xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

 

Bùi Việt Hà - P.QLCL&CTXH

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 6
Tổng số lượt truy cập: 6060553