Biếng ăn ở trẻ - Nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh
Biếng ăn ở trẻ em là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình mỗi khi cho trẻ ăn. Nhưng có rất ít phụ huynh biết cho trẻ ăn đúng cách, khi trẻ càng không ăn thì cha mẹ càng cố ép, có bữa ăn phải bế trẻ đi khắp xóm, mất từ 1- 2 giờ đồng hồ, hoặc phải cho trẻ xem TiVi, chơi máy tính, điện thoaị…trong khi đó người mẹ thì đút cơm, cháo vào miệng trẻ, hậu quả dẫn đến là trẻ càng ngày càng thích nhỏng nhẻo, quấy khóc trong bữa ăn, đòi bế đi chơi, hoặc chỉ thích xem ti vi, chơi điện thoại… mà không chú ý gì đến bữa ăn của mình. Biếng ăn kéo dài dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như còi cọc, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, chậm phát triển…
Nhiều người nghĩ rằng việc cho trẻ đi chơi, xem ti vi trong khi ăn là tạo không khí vui vẻ, hứng thú cho trẻ có bữa ăn ngon miệng, tuy nhiên điều đó đã hoàn toàn sai vì: Chỉ làm cho trẻ mất tập trung vào bữa ăn, không thấy được bữa ăn là quan trọng, vả lại thức ăn để lâu bị nguội lạnh, biến chất, dễ sinh ra những vi khuẩn có hại cho đường ruột của trẻ.
(Hình ảnh minh họa trẻ biếng ăn)
Vậy làm thế nào để có thể hòa nhập cùng trẻ, làm thế nào để có một bữa ăn vui vẻ, ít nhất là trẻ không sợ khi phải ngồi lên bàn ăn ?
Theo Ths.Bs CKI Vũ Thị Quyên- Phó khoa Tiết chế dinh dưỡng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An chia sẻ:
1. Khi bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung ( ăn dặm ) nên:
+ Ăn từ từ, ít một rồi tăng dần lên.
+Tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.
+ Không nên bắt ép trẻ ăn đủ số lượng ngay ban đầu.
+ Và không nên lo lắng khi trẻ không chịu ăn.
*Với trẻ lớn:
Cho trẻ ngồi ăn cùng mâm cơm gia đình để trẻ biết được không khí gia đình, giờ giấc khi ăn.
Nên để trẻ tự tay xúc ăn phần ăn của mình,đừng ngại việc dọn dẹp lại những thức ăn rơi vãi, như vậy sẽ giúp trẻ khéo léo và chọn được những món ăn trẻ ưa thích.
2. Một bữa ăn của trẻ là khoảng 30 phút, nếu trẻ vẫn chưa ăn xong trong vòng 30 phút, hãy dọn dẹp hết tất cả. Việc kéo dài thời gian ăn hay tăng số lần ăn trong ngày làm cho trẻ cảm thấy sợ hải và chán ngấy, trẻ sẽ tìm mọi cách để phản đối lại bữa ăn như: Quấy khóc, chạy trốn, nôn, ngậm thức ăn trong miệng,…
3. Trẻ được ăn theo nhu cầu: Nghĩa là ăn vừa đủ lượng thức ăn mà dạ dày trẻ có thể chấp nhận được.
4. Không ép khi trẻ không ăn nữa, đừng bao giờ sợ trẻ đói bởi vì khi đói trẻ sẽ tự đòi ăn, đó là bản năng sinh tồn của con người.
5. Hãy để trẻ tự nhắc đến giờ ăn của mình, trẻ sẽ tập được việc ăn uống điều độ.
6. Không cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước chín) như: Bánh, kẹo, phô mai, uống sữa,… trước bữa ăn 1 giờ. Vì như thế sẽ làm trẻ no bụng và không muốn ăn bữa ăn chính. Nếu trẻ có quấy khóc, đòi hỏi thì hãy cố gắng làm ngơ và bỏ qua điều đó, dần dần trẻ sẽ tập được thói quen, đến bữa ăn trẻ sẽ ăn uống ngon miệng hơn.
7. Nếu muốn cho trẻ uống sữa hay ăn trái cây hãy dùng ngay sau bữa ăn chính hoặc sau bữa ăn chính 1 giờ.
8. Trẻ cần ăn theo giờ nhất định để tạo phản ứng tiết dịch tiêu hóa tốt làm trẻ có cảm giác thèm ăn, quá trình tiêu hóa tốt hơn.
Nếu làm được những điều trên, chắc chắn các bạn sẽ tạo được cho đứa trẻ một thói quen ăn uống ngoan ngoãn.
Nguyễn Thu Hiền – P.QLCL&CTXH