Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Phòng ngừa tai nạn té ngã ở trẻ nhỏ

Có thể nói hầu như đứa trẻ nào trong đời cũng đã từng bị ngã từ một vài lần đến nhiều lần. Có trường hợp trẻ chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da và không gây hậu quả gì nghiêm trọng, nhưng có trường hợp bị chấn thương rất nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.


Trường hợp gần đây nhất là của cháu Trần Đăng Trường (12 tuổi), quê ở Hiến Sơn - Đô Lương - Nghệ An. Nhập viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng nhiễm trùng nặng do trèo cây rồi nhảy xuống đất thì vô tình giẫm phải que nứa (tre) bẩn, được các bác sỹ xác định có dấu hiệu uốn ván suy đa tạng, phải thở máy. Sau hơn 5 tháng điều trị tích cực, cháu đã thoát khỏi nguy kịch nhưng lại phải sống thực vật. Hiện cháu đang được điều trị tiếp tại khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.


Trẻ bị ngã phần lớn là do sự vô ý hoặc bất cẩn của người lớn hoặc do tính tò mò, hiếu động nghịch ngợm, chưa nhận thức được hết những nguy cơ xảy ra tai nạn. Thường gặp nhất là té ngã do chơi đùa xô đẩy nhau, trẻ chạy nhảy ở những nơi trơn trượt hay ngã do trèo cây, trèo tường, cầu thang, ban công…


 

Hình ảnh minh họa một số tai nạn té ngã ở trẻ nhỏ

 

Theo tổng kết từ Chương trình phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam thì ngã là tai nạn đứng đầu trong số những tai nạn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ngã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng từ trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong.


Để tránh các chấn thương nghiêm trọng có thể gặp phải do bị ngã, các bậc cha mẹ cần trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi. Cha mẹ không thể đoán hết các tình huống có thể khiến trẻ ngã nhưng hoàn toàn có thể đề phòng bằng các biện pháp sau:

 

- Phải luôn có người lớn chăm sóc bên cạnh trẻ nhỏ khi ăn, ngủ, chơi. Không cho trẻ biết lật, bò, đi nằm trên võng, giường lúc không có người lớn bên cạnh.

- Có rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao an toàn cho trẻ.

- Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo. Giáo dục cho trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã. Cần dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như: Nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng, lòng đường.

- Không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt.

- Không để đồ vật của trẻ ngoài tầm với.

- Không cho trẻ đứng trên ghế, vật dụng không vững.

 

Cách phòng chống tai nạn ngã ở trẻ thực ra không khó, các biện pháp phòng ngừa được nêu ra ở trên rất đơn giản, dễ thực hiện .Chỉ cần người lớn không chủ quan và nhận thức đúng những điều cần làm để trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết tự tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

                          Nguyễn Thu Hiền

                          P.QLCL&CTXH



Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 1018
Tổng số lượt truy cập: 6838535