Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Yêu thương con đúng cách

Ngay từ những giây phút đầu tiên, trẻ cần có những trải nghiệm và các mối quan hệ mà ở đó con nhận thấy mình là người có ích, biết mang lại niềm vui đến người khác. Cách người lớn quan tâm, giao tiếp và phản hồi trẻ đúng mực giúp trẻ định hình giá trị bản thân mình.  

- Ý thức về hình ảnh bản thân:  được hình thành nhờ những thông điệp yêu thương mà trẻ tiếp nhận từ cha mẹ và những người thân. Một hình ảnh lành mạnh là yếu tố cực kỳ quan trọng không chỉ đối với mối quan hệ của trẻ với những người khác mà còn giúp bé tạo dựng niềm tin vào bản thân trong quá trình khám phá thế giới. 

- Cảm giác an toàn của bé:  xuất phát từ các mối quan hệ với cha mẹ và những người lớn thường chăm sóc bé. Khi con cảm thấy sợ hãi, bất an hoặc đối diện với một trải nghiệm mới mẻ, lạ lẫm, bé sẽ cần người lớn ủng hộ, khuyến khích để tìm lại sự bình ổn, an toàn.    

- Thể hiện sự quan tâm tích cực theo từng độ tuổi:

Từ giây phút chào đời, con bắt đầu tiếp nhận những điều cha mẹ nói và làm, thậm chí, nhận biết cách thể hiện của cha mẹ.

 

Trẻ sơ sinh

 Ngay cả trẻ sơ sinh cũng sẵn sàng tiếp nhận và học hỏi về mọi vật, mọi người xung quanh bé. Chính vì vậy, cha mẹ càng tương tác với trẻ, bé càng tiếp nhận được nhiều. 

Cha mẹ có thể tương tác với bé sơ sinh bằng cách:

Vỗ về khi bé khóc, cười khi bé cười, đáp lại những tiếng u, ơ  của trẻ bằng cách nói những điều có ý nghĩa (thậm chí ngay cả khi bạn không hiểu những gì con muốn thể hiện) 

 

Trẻ nhỏ, trẻ tập đi 

Khi con lớn hơn, sự kết hợp giữa lời nói và việc làm của bạn chuyển tới con những thông điệp quan trọng.

- Chú ý đến cách bé đánh giá vẻ mặt hay giọng nói của bạn. Trước khi trẻ có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ, bé có thể nhạy cảm với âm sắc giọng nói, cử chỉ, biểu lộ gương mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn  

- Tận dụng tối đa các hoạt động hằng ngày . Tắm bé, thay tã, cho ăn, mặc đồ được coi là những nhiệm vụ tẻ nhạt, nhưng các hoạt động thường ngày này lại tạo ra vô số cơ hội để bạn tương tác với trẻ. Ví dụ, bạn có thể cưng nựng và chơi đùa với con trong khi lau người bé sau khi tắm. 

-  Hãy ngắm nhìn, mỉm cười với bé, tỏ ra vui thích, quan tâm và ở bên con một cách tích cực.  Tất cả những hành động này đều truyền tải đến  trẻ một thông điệp: con là điều quan trọng và đặc biệt của cha mẹ.

Chú trọng những điều tích cực. Việc bạn nóng lòng muốn sửa chữa lỗi lầm của trẻ sẽ mang lại cho bé cảm giác thất vọng, giận dữ, lơ đãng khi ở bên cha mẹ. Hơn nữa, điều này còn chứng tỏ cho trẻ thấy bé là người mắc lỗi, vô dụng, không đáng được quan tâm. Vì thế, trước khi sửa chữa lỗi của trẻ, hãy tự hỏi bản thân: Liệu điều đó có quan trọng không? Tôi có thực sự phải làm như vậy hay hãy để nó trôi qua?

 

Hình ảnh được ghi lại tại khu vui chơi cho bé tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

 

Trẻ lớn

- Dùng những lời nói để khen ngợi và khuyến khích bé.

- Thể hiện sự hứng thú với những sở thích, hoạt động và thành công của bé.

- Chú ý khi con có biểu hiện tốt. Ví dụ: Khen ngợi con khi bé dọn dẹp phòng hoặc khi bé biết chờ đến lượt chơi. Khen ngợi là biện pháp củng cố hành vi tích cực.

-  Tỏ ra tin tưởng khả năng của bé. Nếu một đứa trẻ liên tục bị nhắc nhở phải cẩn thận hoặc  hoặc bị dọa sẽ ngã, sẽ bị thương rất khó duy trì niềm tin ở bản thân

- Tạo cho các bé nhiều cơ hội làm những gì chúng thích, và những việc sở trường của con. Cảm giác thỏa mãn khi tự mình hoàn thành một việc tốt giúp trẻ xây đắp sự tự tin vào chính mình.

-  Khen ngợi những cố gắng của bé chứ không chỉ chú trọng đến kết quả. Bé cần hiểu rằng thất bại không phải là chuyện gì khủng khiếp.  

- Tránh sửa chữa lỗi lầm của bé quá nhiều. Thử nghiệm và mắc lỗi là một phần trong cuộc sống của bé. Con có thể cảm thấy nản lòng và tuyệt vọng nếu mọi nỗ lực của mình đều bị “chấm điểm” hoặc chỉ trích

-  Để nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ, cha mẹ nên nhận xét “vẽ lên tường là việc làm không nghiêm túc”, thay vì nói “con hư lắm”.  Cần làm cho con hiểu rằng tình yêu của cha mẹ dành cho các bé là vô điều kiện.Thay vì nói con không được làm điều này điều kia, hãy chỉ cho con biết chúng nên làm những gì.

Trong hầu hết các trường hợp, cách diễn đạt hiệu quả nhất là chuyển từ câu phủ định sang khẳng định. Ví dụ, thay vì nói “ Đừng đi xuống lòng đường”, hãy nói “ Con hãy đi cạnh mẹ”.

 

Khi nào việc này trở nên khó khăn ?

Dù thái độ tích cực là điều được khuyến khích nhưng không phải lúc nào cha mẹ nào cũng có thể thể hiện thái độ đúng.  Trẻ hoàn toàn có khả năng học cách thích nghi những khi cha mẹ thiếu nhạy cảm, không có mặt hoặc thờ ơ.

Tuy nhiên, nếu những biểu hiện tiêu cực trên diễn ra nhiều lần, thậm chí hằng ngày hoặc nếu cha mẹ cảm thấy khó khăn để thể hiện hay hành động tích cực thì đây có thể là dấu hiệu căng thẳng khi làm cha mẹ. Trong tình huống này, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ và tư vấn của các chuyên gia tâm lý.

                                                                                           Nguyễn Thu Hiền

                                                                              P.QLCL&CTXH

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 484
Tổng số lượt truy cập: 6344428