Những điều cần biết về thai quá ngày
Những tuần cuối thai kỳ sản phụ luôn mong ngóng em bé chào đời từng ngày, nhưng có một số trường hợp em bé quá ngày dự sinh rồi vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Trường hợp này có thể gây nguy hiểm đến cho thai nhi và người mẹ, vậy sản phụ cần phải làm gì khi thai quá ngày sinh?
Thế nào là thai quá ngày dự sinh?
Một thai kỳ khỏe mạnh trung bình kéo dài 280 ngày, tương đương 40 tuần tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Do đó, ngày dự sinh của con bạn được tính toán từ ngày đầu của kỳ kinh cuối đến tròn 40 tuần, tương ứng với tuổi thai 40 tuần.
Đa số trường hợp thai nhi khỏe mạnh sẽ bắt đầu chuyển dạ ở thời điểm quanh ngày dự sinh. Khi thai kỳ của bạn không có chuyển dạ và kéo dài đến 41 tuần, được gọi là “thai quá ngày” (late term pregnancy). Và khi kéo dài đến 42 tuần, được gọi là “thai già tháng” (Post term pregnancy).
Thai trên 42 hoặc 43 tuần tuổi được gọi là thai quá ngày sinh
Thai quá ngày dự sinh có nguy nguy hiểm không?
Khi bắt đầu bước sang tuần thứ 41, nước ối bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Lúc này, các chức năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng của nhau thai và dây rốn cũng bắt đầu suy giảm.
Đối với thai nhi:
- Gần đến ngày dự sinh nước ối sẽ cạn dần, lúc này nếu chưa chuyển dạ sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim của bé, dây rốn bị chèn ép có thể khiến trẻ bị thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng trẻ, thậm chí là suy thai.
- Bé có thể nuốt phải phân su lẫn trong nước ối, từ đó gây ra các vấn đề về hô hấp sau khi sinh.
- Tăng nguy cơ đẻ mổ do thai quá ngày dự sinh thường có trọng lượng thai lớn hơn thai đúng ngày dự sinh.
- Bé bị suy dinh dưỡng, da nhăn nheo, sức đề kháng kém, thậm chí thai có thể chết lưu nếu đến ngày sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ.
Đối với người mẹ:
- Mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn thai phụ sinh đúng ngày.
- Tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.
- Khó sinh do thai to và làm tăng nguy cơ sinh mổ.
Dự phòng và hướng xử trí cho thai quá ngày:
Để dự phòng thai quá ngày, điều quan trọng là phải tính được ngày dự sinh một cách chính xác nhất. Vì vậy ghi nhớ ngày kinh cuối cùng và khám thai ở 3 tháng đầu để xác định ngày dự sinh là rất quan trọng. Độ chính xác của ngày dự sinh khi tính toán dựa theo ngày kinh cuối cùng hoặc các chỉ số thai nhi ở thời điểm 3 tháng đầu là ±3 đến 5 ngày.
Cách xử lý khi thai quá ngày dự sinh:
Cử động thai thường đếm sau bữa ăn và đếm 3 lần mỗi ngày, tối thiểu phải đếm 1 lần trong ngày. Khi đếm nên nằm nghỉ ngơi yên tĩnh và đếm trong 1 giờ xem có bao nhiêu cử động thai.
Đánh giá thai khỏe khi có hơn 4 lần cử động mỗi giờ.
- Nếu trong 1 giờ thai chỉ cử động 3 lần hay ít hơn, người mẹ cần đếm thêm 1 giờ nữa vì có thể là lúc thai đang ngủ. Nên nằm nghỉ ngơi hoàn toàn để dễ theo dõi cử động thai.
- Nếu trong 1 giờ kế tiếp thai vẫn Cử động 3 lần hay ít hơn thì đây là dấu hiệu báo động cần nghi ngờ thai nhi bị yếu, thai phụ nên đi khám để được theo dõi sức khỏe thai bằng máy Monitor.
- Thử nghiệm Non-stress Test
Thử nghiệm Non-stress Test (NST) là thử nghiệm đo nhịp tim của thai nhi bằng máy Monitor trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là 30 phút. Kết quả của Non-stress Test được ghi nhận là có phản ứng (kết quả tốt) hoặc không có phản ứng (kết quả xấu). Nếu kết quả tốt có nghĩa thai nhi đang khỏe mạnh. Nhưng kết quả xấu không có nghĩa là thai nhi không khỏe mạnh. Khi NST có kết quả xấu cần phải thực hiện thêm các khám nghiệm khác mới có đủ thông tin để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe thai nhi.
- Siêu âm thai: khảo sát trọng lượng thai, khảo sát ối, đo Doppler mạch máu (nếu cần)
- Ø Khi thai quá ngày dự sinh dưới 01 tuần cần thường xuyên khám theo dõi thai định kỳ 2 ngày/ lần bằng siêu âm và theo dõi tim thai, cơn co tử cung.
- Ø Trường hợp thai quá ngày dự sinh bạn sẽ nhận được khuyến cáo của bác sĩ là nên nhập viện để theo dõi và làm các cận lâm sàng để xác định tình trạng của thai nhi và đưa ra hướng xử trí phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho các thai nhi và mẹ.