Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Những bất thường trên da thường gặp ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có làn da vô cùng mỏng manh, nhạy cảm, dễ bị kích ứng. Chính vì vậy da của trẻ dễ mắc phải những bất thường, gây khó chịu ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển của trẻ. Hãy cùng tìm hiểu những bất thường ở da thường gặp trên trẻ sơ sinh để có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời

 

1. Mụn kê (Milia)

Mụn kê là những nốt sẩn trắng nhỏ, thường thấy ở các vị trí mũi, cằm, má, trán. Bản chất là sự lưu trữ keratin và chất bã nhờn trong nang tuyến bã.

 

Điều trị: không cần điều trị gì, những mụn kê này sẽ tự biến mất sau vài tháng.

 

 

Mụn kê

 

2. Miliaria (Viêm tuyến mồ hôi)

Viêm tuyến mồ hôi là sự tắc nghẽn và/hoặc viêm ống tuyến mồ hôi.

 

Nguyên nhân thường do: Môi trường nóng ẩm; Hoạt động thể chất gắng sức; Bệnh gây sốt; da bị bí do quần áo, kem dưỡng.

 

Trẻ sơ sinh thường gặp 2 dạng sau:

 

Miliaria tinh thể:

- Biểu hiện là các mụn nước nhỏ giống giọt sương, thành mỏng và không viêm.

 

- Do tắc nghẽn bề mặt ống tuyến mồ hôi (trong lớp sừng). Phổ biến nhất ở đầu, cổ và thân trên của trẻ sơ sinh.

 

Miliaria rubra (rôm đỏ):

˗ Biểu hiện: sẩn hồng ban kích thước 2 – 4 mm, có thể kèm trợt da và/hoặc mụn mủ. Ban thường ở chỗ nếp gấp da: cổ, nách, bẹn. Trẻ thường ngứa hoặc châm chích, nhất là khi đổ mồ hôi.

 

˗ Nguyên nhân do sự tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi trong lớp biểu bì dẫn tới phản ứng viêm tại chỗ.

 

3. Hồng ban đỏ nhiễm độc

Bệnh biểu hiện sẩn (đường kính 1 - 3 mm) trên nền hồng ban, sau đó thành mụn mủ trên nền ban đỏ. Các tổn thương được phân bố trên thân và tứ chi (trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân).

 

 

Ban đỏ nhiễm độc

 

Nguyên nhân được cho rằng do ứng miễn dịch cấp tính, bẩm sinh đối với sự xâm nhập của hệ vi sinh trên da vào nang lông.

 

Ban xuất hiện từ 24 – 48h sau sinh, thường tự hết sau 5 - 7 ngày. Không cần điều trị.

 

4. Mụn trứng cá sơ sinh

Là phản ứng viêm của da với Malassezia, một loại nấm men ưa mỡ, là thành viên của hệ nấm bình thường trên da và niêm mạc.

 

Mụn trứng cá sơ sinh

 

Tuổi trung bình khi khởi phát là 3 tuần tuổi. Bệnh biểu hiện bằng sẩn viêm và mụn mủ, không cồi mụn, phân bố đặc trưng ở mặt (má, da đầu). Biểu hiện bệnh dễ nhầm lẫn với rôm đỏ bội nhiễm.

 

Phần lớn mụn trứng cá sơ sinh nhẹ và có thể được điều trị bằng tắm hàng ngày bằng sữa tắm. Tránh các loại dầu và kem dưỡng da

 

5. Bớt sắc tố

Khi vừa được sinh ra, một số trẻ có những bớt màu tím nhạt với kích thước khác nhau thường tập trung chủ yếu ở vùng lưng và mông do sự ứ đọng của các tế bào sắc tố. Những bớt này không liên quan đến vấn đề sức khỏe và thường sẽ biến mất một thời gian ngắn sau đó.

 

 Bớt sắc tố


Khoảng 10% trẻ được sinh ra có một hay nhiều bớt da có màu sắc khác thường hơn so với vùng da khác. Những bớt này thường nhạt màu dần sau vài tuần đến vài tháng sau sinh. Hầu hết các trường hợp bớt thường biến mất trong năm đầu tiên.

 

6. Da khô và bong da

Nếu đứa trẻ được sinh ra muộn vài ngày so với bình thường, da bé có thể khô và có những mảng biểu bì nhỏ bong tróc. Điều này cũng không có gì phải lo lắng vì những thành phần của cấu trúc da bên dưới hoàn toàn bình thường và trẻ sẽ có làn da mểm mại trở lại sau vài tuần vì vậy chỉ cần đưa bé đến bác sĩ khi tình trạng da khô và mảng bong tróc kéo dài.

 

Bong da

 

7. Chàm sữa

Thường xảy ra ở những trẻ có cha mẹ hay người thân có vấn đề về dị ứng như hen suyển, viêm mũi dị ứng, chàm …Ban đầu, chàm sữa là những mụn nhỏ li ti có màu trắng xuất hiện ở vùng mặt. Các mụn này sẽ nhanh chóng vỡ ra tạo thành vùng da có màu đỏ, rĩ dịch vàng, có vảy và rất ngứa. Chàm sữa thường bắt đầu xuất hiện khi trẻ 3 tháng tuổi, thường hay tái phát nhiều đợt trước khi hết hẳn khi bé được 2 tuổi.

 

Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng một số bé vẫn phải dùng thuốc đặc hiệu để điều trị trong trường hợp nặng gây kích thích ngứa ngáy, khó chịu hay nhiễm trùng.

 

Chàm sữa

8. Viêm da tiết bã (da cứt trâu)

Trong những tháng đầu đời, da trẻ phát triển khá nhanh và tiết nhiều chất nhờn. Khi các tế bào da này bị đóng vón lại sẽ tạo thành những mảng vẩy nhìn giống như “ cứt trâu” thường tập trung chủ yếu ở vùng đầu, lông mày, mi mắt, khóe mũi, vùng da sau tai. Mặc dù da “ cứt trâu” có thể làm bé hơi khó nhìn nhưng chẳng có gì phải lo lắng vì tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe và sẽ hết khi trẻ được 1-2 tuổi. Không nên dùng tay để bóc những lớp vẩy này vì có thể làm tổn thương lớp da bên dưới làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Lớp “cứt trâu” có thể làm mỏng thật nhẹ nhàng bằng cách thoa một lớp vaseline lên vùng da đầu của trẻ trước khi tắm 30 phút sau đó dùng nước chanh pha loãng để gội đầu cho trẻ.

 

Viêm da tiết bã (Da “cứt trâu”) ở trẻ sơ sinh

 

9. Hăm tã

Vùng da quấn tã bị đỏ, nổi sẩn và mụn nước do nhạy cảm khi tiếp xúc với tã, nước tiểu, phân hay bột giặt ngấm trong tã. Đôi khi hăm tã còn do nấm hay một số vi sinh vật khác. Để hạn chế tình trạng hăm tã cần chọn loại tã có kích thước phù hợp với lứa tuổi và cân nặng của trẻ, chỉ cho trẻ quấn tã khi thật sự cần thiết. Khi trẻ bị hăm nên tắm cho trẻ bằng nước ấm với dung dịch xà bông có tính sát khuẩn nhẹ, tránh chà xát lên vùng da bị tổn thương và nhớ lau khô người trẻ trước khi quấn tã.

 

Hăm tã

 

10. Viêm da mủ

Trên da nổi các nốt đỏ, sau đó tiến triển thành các nốt mủ hoặc bọng mủ, vỡ và lan ra vùng da xung quanh. Nguyên nhân thường do vi khuẩn tụ cầu vàng gây nên. Khi trẻ có nhiều nốt mủ cần được khám và điều trị kịp thời.

 

 

Viêm da mủ

 

Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 1034
Tổng số lượt truy cập: 6838573