Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Tại sao phải xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

👉Vì tầm quan trọng của bệnh tiểu đường thai kỳ
👉Nhằm quản lý thai nghén có nguy cơ cao
👉Hạn chế rủi ro cho mẹ và thai
♦️Tiểu đường là bệnh lý có diễn biến phức tạp, thường gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
♦️Tiểu đường thai kỳ thường không có biểu hiện gì rõ ràng nên rất khó phát hiện.
♦️Nếu bị tiểu đường thai kỳ mà không kiểm soát được, hoặc kiểm soát muộn, lượng đường huyết trong máu tăng cao, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi như:
♥️Đối với mẹ:
- Bị đa ối, khiến tử cung to nhanh, gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp ở mẹ
- Tăng nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật
- Gây ra tình trạng chuyển dạ kéo dài, tăng nguy cơ sang chấn, băng huyết sau sinh
- Tỷ lệ sinh mổ cao hơn, rối loạn đường trong máu dễ dẫn đến hôn mê sâu.
♥️ Đối với thai nhi:
- Tăng tỷ lệ dị tật thai nhi
- Rối loạn tăng trưởng
- Thai lưu
- Trẻ sinh ra bị vàng da, thừa cân, suy hô hấp sau sinh …
⛔⛔⛔Đối tượng có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ:
- Gia đình có người tiểu đường
- Tiểu đường thai kỳ trước
- Tiền căn sinh con to (> 4000gr)
- Tiền căn thai lưu (đặc biệt ba tháng cuối), sinh con dị tật
- Có ≥ 3 lần sẩy thai liên tiếp.
- Sản phụ > 35 tuổi, béo phì, mắc hội chứng buồng trứng đa nang...
❓❓❓TUẦN THAI NÀO THÌ TẦM SOÁT ĐÁI ĐƯỜNG THAI KỲ???
⛔ Chính vì những hậu quả đáng sợ mà tiểu đường thai kỳ gây ra, việc tầm soát tiểu đường thai kỳ là vô cùng cần thiết. Lời khuyên đối với những phụ nữ chuẩn bị có thai hay các mẹ bầu cần chú ý các thời điểm thực hiện tầm soát phù hợp với bản thân mình.
❤ Ngay từ lần khám thai đầu tiên: các mẹ bầu sẽ được bác sĩ sản khoa đánh giá nguy cơ.
❤ Thai phụ không có yếu tố nguy cơ: tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường lúc thai từ 24 đến 28 tuần.
❤ Thai phụ có yếu tố nguy cơ: Thực hiện tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường trong lần khám thai đầu tiên hay trong 3 tháng đầu. Dù kết quả bình thường cũng nên lặp lại nghiệm pháp này lúc thai từ 24 đến 28 tuần.
Thời điểm được khuyến cáo là trong giai đoạn tuần thai thứ 24 đến 28, vì lúc này bánh nhau phát triển hoàn thiện nhất, tăng sản xuất các nội tiết tố kích thích tiết glucagon, đề kháng insulin, giảm dự trữ và tăng ly giải glycogen thành glucose ở gan, giảm dung nạp đường ở các mô ngoại biên. Hệ quả là gây nên hiện tượng tăng đường huyết.
❓❓❓CÁC BƯỚC SÀNG LỌC ĐÁI ĐƯỜNG THAI KỲ
✍ Quy trình xét nghiệm:
- 2 ngày trước khi làm xét nghiệm dung nạp glucose, phụ nữ mang thai nên ăn uống bình thường, không dùng các thuốc nhóm glucocorticoid, lợi tiểu, chẹn beta giao cảm, estrogen.v.v..
- Cần phải nhịn ăn trong khoảng (10h - 12h), hạn chế vận động mạnh, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.v.v..
✍Các bước thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết:
- Bước 1: Lấy máu đầu tiên khi thai phụ vừa mới đến phòng khám. Mẫu máu này phải được đảm bảo đo vào buổi sáng, sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 tiếng. Đây là tiêu chuẩn để so sánh với kết quả của 2 chỉ số Glucose huyết sau đó.
- Bước 2: Thai phụ sẽ được uống nước đường có hàm lượng Glucose phổ biến là 75gr
- Bước 3: Sau 1 tiếng, thai phụ sẽ được lấy máu lần 2 để đo và ghi nhận kết quả. Lấy máu lần 3 được thực hiện tiếp đó 1 tiếng (2 giờ đồng hồ kể từ lúc uống Glucose). Trong thời gian làm xét nghiệm, thai phụ có thể uống nước lọc nhưng cần hạn chế vận động.
💯 Tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:
- Nồng độ glucose lúc đói ≥ 5,1 mmol/L (92 mg/dL)
- Nồng độ glucose thời điểm 1 giờ ≥ 10,0 mmol/L (180 mg/dL)
- Nồng độ glucose thời điểm 2 giờ ≥ 8,5 mmol/L (153 mg/dL)
💧 Nếu nồng độ glucose của 1 trong 3 chỉ số cao hơn nồng độ glucose tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ trên, thì phụ nữ mang thai được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
💧Nếu cả 3 chỉ số đều thấp hơn nồng độ glucose tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ trên, thì phụ nữ mang thai không được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 147
Tổng số lượt truy cập: 6054368