Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Viêm phổi tái nhiễm ở trẻ em – Nguy cơ tiểm ẩn cần được lưu ý

Viêm phổi là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa. Tuy nhiên, khi tình trạng viêm phổi xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại, đó không chỉ là mối lo về sức khỏe trước mắt mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm ở trẻ.


Nỗi lo thường trực của phụ huynh khi trẻ viêm phổi tái nhiễm

Khi con mắc viêm phổi nhiều lần, hầu hết phụ huynh đều lo lắng và tìm mọi cách điều trị, thậm chí đưa con đi khám ở nhiều cơ sở y tế, chuyển tuyến liên tục, hoặc nghe theo nhiều phương pháp chưa được kiểm chứng. Không ít bậc cha mẹ lo ngại việc dùng kháng sinh lặp đi lặp lại sẽ khiến trẻ bị kháng thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Bên cạnh đó, viêm phổi tái đi tái lại khiến trẻ dễ sụt cân, chậm tăng cân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất, đặc biệt trong những giai đoạn quan trọng như khi trẻ mới đi học, tiếp xúc môi trường tập thể, hoặc khi thời tiết thay đổi.


Thế nào là viêm phổi tái nhiễm?

Viêm phổi tái nhiễm là tình trạng trẻ mắc từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong một năm hoặc từ 3 đợt viêm phổi trở lên bất kỳ lúc nào, với điều kiện giữa các đợt, triệu chứng lâm sàng và hình ảnh X-quang phổi đều trở lại bình thường.

Trẻ mắc viêm phổi tái nhiễm thường có nguy cơ biến chứng cao hơn và tỷ lệ tử vong cũng lớn hơn so với những trường hợp mắc viêm phổi đơn lẻ.


Những tác nhân phổ biến gây viêm phổi tái nhiễm

  • Vi khuẩn: Thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae; ngoài ra có thể gặp lao hoặc vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma, Chlamydia.
  • Virus: Phổ biến như RSV (virus hợp bào hô hấp), virus cúm, Adenovirus.
  • Trường hợp không xác định được nguyên nhân: Khoảng 30% các ca không tìm thấy rõ căn nguyên gây bệnh.

Đường lây truyền chủ yếu là qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Ngoài ra, trẻ có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, bề mặt nhiễm khuẩn hoặc qua tiếp xúc gần như ôm hôn.


Những yếu tố nguy cơ cha mẹ cần đặc biệt lưu ý

Việc xác định và loại trừ các yếu tố nguy cơ là bước then chốt để điều trị và phòng ngừa viêm phổi tái nhiễm hiệu quả. Một số yếu tố nguy cơ thường gặp gồm:

  • Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng kéo dài.
  • Bất thường bẩm sinh đường thở hoặc phổi: hẹp lỗ mũi sau, hội chứng Pierre Robin, mềm sụn thanh quản, hẹp hạ thanh môn, nang phổi bẩm sinh, nang phế quản, bệnh phổi biệt lập.
  • Bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt các dị tật tim gây luồng thông trái – phải, các bất thường mạch máu như vòng mạch máu, sling động mạch phổi.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản, rối loạn nhu động thực quản.
  • Dị vật đường thở.
  • Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc mắc phải).

Để chẩn đoán, trẻ có thể cần làm xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, nội soi phế quản, nội soi dạ dày – thực quản, chụp CT lồng ngực, thăm khám tai mũi họng…


Phòng ngừa viêm phổi tái nhiễm: Hành động cụ thể từ gia đình

Tiêm chủng đầy đủ:

  • Thực hiện đúng lịch tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vắc xin Hib, phế cầu khuẩn, cúm, sởi, ho gà, thủy đậu, COVID-19... giúp trẻ có miễn dịch chủ động, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Cải thiện môi trường sống:

  • Đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, tránh khói thuốc, bụi bẩn.
  • Giữ nhiệt độ phòng ổn định, tránh thay đổi đột ngột.

Dinh dưỡng hợp lý:

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, giàu vitamin A, D, kẽm, sắt.

Vệ sinh và phòng tránh lây nhiễm:

  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc gần với người mắc bệnh hô hấp.
  • Rửa tay thường xuyên cho cả trẻ và người chăm sóc.
  • Vệ sinh đồ chơi, vật dụng cá nhân sạch sẽ.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là ở nơi đông người hoặc khi người chăm sóc có triệu chứng hô hấp.

Khám sức khỏe định kỳ:

  • Chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh hoặc thuốc giảm ho.
  • Khám định kỳ để phát hiện và can thiệp sớm các yếu tố nguy cơ.


>> Những đợt viêm phổi tái nhiễm có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, cảnh báo các nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy, cha mẹ cần cảnh giác, không chủ quan và không tự điều trị tại nhà. Hãy chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị, dự phòng phù hợp.


Hãy đồng hành để trẻ phát triển khỏe mạnh, an toàn – đừng để viêm phổi tái nhiễm trở thành nỗi lo thường trực trong hành trình lớn khôn của con!

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 480
Tổng số lượt truy cập: 7067588