Trẻ bị tiểu máu - Những điều phụ huynh cần biết
Khi nước tiểu của con bạn đột nhiên có màu đỏ, hồng, hoặc nâu, hẳn là bố mẹ sẽ vô cùng hoảng hốt và nghĩ ngay đến tiểu máu. Nhưng hãy bình tĩnh! Cùng bác sĩ tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này.

Trước tiên, cha mẹ hãy xem xét liệu đây có thực sự là tiểu máu không, hay chỉ là sự nhầm lẫn.
- Tinh thể urat: Một số bé sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xuất hiện màu hồng gạch trong bỉm, trông giống máu. Tuy nhiên, đây thường là do tinh thể urat lắng đọng vì nước tiểu bị cô đặc (do thiếu nước, bú kém, hoặc đổ nhiều mồ hôi vào mùa hè). Tình trạng này vô hại, chỉ thoáng qua và sẽ biến mất khi bé được tăng cường bổ sung nước.
- Phân dính máu: Đôi khi, bé đại tiện trong bô kèm theo phân có máu do táo bón hoặc nứt kẽ hậu môn, khiến nước tiểu trong bô có màu đỏ và dễ gây nhầm lẫn.
- Thức ăn/thuốc: Một số loại thực phẩm như thanh long đỏ, củ dền đỏ, hoặc một số loại thuốc nhất định cũng có thể làm biến đổi màu nước tiểu.
Nếu cha mẹ đã loại trừ các yếu tố trên, thì màu sắc đỏ, hồng, hoặc nâu trong nước tiểu có thể là tiểu máu thực sự. Điều đáng chú ý là chỉ cần một lượng máu rất nhỏ cũng có thể làm nước tiểu đổi màu như vậy, chứ không phải toàn bộ màu đỏ là máu. Rất hiếm khi tiểu máu gây mất máu nghiêm trọng.
Nguyên Nhân Gây Tiểu Máu Ở Trẻ
Tiểu máu ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:
- Nhiễm trùng tiểu: Có thể xảy ra ở thận hoặc bàng quang, thường đi kèm với sốt hoặc rối loạn tiểu tiện (tiểu đau, tiểu khó, tiểu rắt...).
- Bệnh lý cầu thận: Như hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp, thường kèm theo các triệu chứng như phù, tăng huyết áp...
- Sỏi thận hoặc bàng quang.
- Chấn thương đường tiết niệu.
Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm: bệnh thận IgA, u thận, bất thường mạch máu thận (Hội chứng kẹp hạt dẻ - Nutcracker), các bệnh lý rối loạn đông máu, do hoạt động thể lực quá mạnh, hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Chẩn Đoán Tiểu Máu Ở Trẻ Em Như Thế Nào?
Khi đưa trẻ đến khám, bác sĩ sẽ hỏi về:
- Tiền sử: Bất kỳ chấn thương gần đây, các loại thực phẩm đã ăn, thuốc đã dùng, hoặc các triệu chứng liên quan. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý của trẻ và liệu trong gia đình có ai từng bị tiểu máu hay bệnh thận không.
- Khám lâm sàng: Sau đó, một cuộc đánh giá tổng quát sức khỏe sẽ được thực hiện, bao gồm kiểm tra huyết áp, khám bụng để tìm vị trí đau hoặc bất kỳ khối u nào khác.
Để đưa ra chẩn đoán chính xác, con bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm nước tiểu và máu: Giúp kiểm tra chức năng thận, bàng quang và hệ thống miễn dịch.
- Siêu âm hoặc chụp X-quang vùng bụng.
Trong trường hợp nguyên nhân gây tiểu máu vẫn chưa xác định được và tình trạng này tiếp tục xảy ra, trẻ có thể phải sinh thiết thận. Đây là một thủ thuật sử dụng kim để lấy một mảnh mô thận nhỏ quan sát dưới kính hiển vi.
Một khi nguyên nhân đã được xác định rõ ràng, bác sĩ sẽ quyết định khi nào trẻ cần điều trị. Đa số trường hợp tiểu máu là lành tính và không cần điều trị đặc hiệu. Việc theo dõi và tái khám định kỳ sẽ giúp đảm bảo trẻ được kiểm tra chính xác và kịp thời.
Điều Trị Tiểu Máu Ở Trẻ Em
Việc điều trị tiểu máu ở con bạn phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây ra vấn đề:
- Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
- Nếu tiểu máu xảy ra sau vận động gắng sức, nghỉ ngơi là điều cần thiết.
- Một số trẻ tiểu máu do bệnh lý di truyền như Hemophilia, lúc này trẻ có thể cần nhập viện để được truyền máu.
Quan trọng nhất là phải theo dõi những dấu hiệu nặng hoặc diễn tiến của tình trạng tiểu máu ở trẻ.
Cha Mẹ Cần Làm Gì Khi Con Bị Tiểu Máu?
Con bạn có thể cần tái khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa về vấn đề tiểu máu. Ngoài việc cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những vấn đề sau:
- Các xét nghiệm cần làm và thời điểm nhận kết quả.
- Thời gian hồi phục dự kiến của trẻ.
- Cách chăm sóc trẻ tại nhà: Những thói quen và hoạt động nào cần tránh hoặc hạn chế.
- Các triệu chứng cần theo dõi và cách xử trí nếu chúng xảy ra.
Dù điều trị bằng cách nào, con bạn sẽ cần kiểm tra thường xuyên theo lịch tái khám. Việc xét nghiệm lại nước tiểu, máu và kiểm tra huyết áp là cần thiết để đảm bảo diễn tiến bệnh được kiểm soát. Cần lưu ý, trong trường hợp trẻ mắc bệnh thận mãn tính, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận./.
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An