MẠCH MÁU TIỀN ĐẠO TRONG THAI KỲ
ĐỊNH NGHĨA
Mạch máu tiền đạo được định nghĩa là mạch máu của thai, có thể là động mạch hay tĩnh mạch, không nằm trong bánh nhau hoặc dây rốn, mà hiện diện gần lỗ trong cổ tử cung. Những mạch máu này có nguy cơ vỡ, khi ối vỡ tự nhiên hoặc bấm ối, dẫn đến thai bị xuất huyết và tử vong. Một vài nghiên cứu cho thấy mạch máu tiền đạo không được chẩn đoán thuộc nhóm nguy cơ cao dẫn đến chết lưu, tử vong sơ sinh và chu sinh. Do đó, nếu được chẩn đoán trước sinh có thể ngăn ngừa được những rủi ro này.
TẦN SUẤT
Mạch máu tiền đạo chiếm khoảng 1/2500 – 1/5000 ca sinh đơn thai. Tần suất gia tăng ở thai kỳ sau thụ tinh trong ống nghiệm là 1/202. Tần suất cũng tăng lên trong dây rốn bám màng, nhau bám thấp, bánh nhau phụ, nhau 2 thùy, đa thai. Như vậy yếu tố nguy cơ cho mạch máu tiền đạo bao gồm: dây rốn bám màng mép dưới bánh nhau, nhau bám thấp trên siêu âm 3 tháng cuối, bánh nhau hai thùy, bánh nhau phụ, thai IVF và đa thai.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán trước sinh mạch máu tiền đạo dựa trên việc xác định mạch máu màng thai đi qua hoặc gần sát ( cách lỗ trong cổ tử cung dưới 2cm ) qua siêu âm Doppler đầu dò âm đạo.
Việc chẩn đoán trước sinh và tuổi thai tại thời điểm sinh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về khả năng sống của trẻ sơ sinh.
Các chuyên gia đồng thuận về sàng lọc mạch máu tiền đạo đưa ra các khuyến cáo siêu âm khảo sát mạch máu tiền đạo trong ba tháng giữa thai kỳ cho các đối tượng sau: Dây rốn bám màng, nhau bám thấp, bánh nhau hai thùy, bánh nhau phụ, thụ tinh trong ống nghiệm, đa thai.
THEO DÕI
- Nếu xác định được mạch máu tiền đạo trước sinh, kiểm tra thai định kỳ mỗi tuần đối với bệnh nhân ngoại trú khi thai được 32 tuần tuổi
- Siêu âm đánh giá tăng trưởng của thai, thể tích nước ối
- Non Stress test mỗi tuần trong 3 tháng cuối để phát hiện chèn ép rốn
- Dùng thuốc trưởng thành phổi ở tuổi thai 28 đến 32 tuần
- Nhập viện khi thai được 30-34 tuần, cho phép theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu chèn ép rốn, thực hiện Non stress test 2-3 lần/mỗi ngày
- Theo dõi ngoại trú cũng là một lựa chọn thích hợp, đặc biệt là những thai phụ có cổ tử cung đóng dài, không chảy máu âm đạo, không có tiền sử sinh non và ở gần bệnh viện.
- Một số tác giả đề nghị đo chiều dài cổ tử cung để giúp đưa ra quyết định quản lý bệnh nhân ngoại trú và thời gian sinh
KHUYẾN CÁO
Các thai phụ cần được siêu âm kiểm tra thai kỳ đều đặn. Đặc biệt cần khảo sát siêu âm Doppler đầu dò âm đạo trong ba tháng giữa thai kỳ cho các đối tượng nguy cơ như: Dây rốn bám màng, nhau bám thấp, bánh nhau 2 thùy, bánh nhau phụ, thai thụ tinh ống nghiệm, đa thai. Khi được chẩn đoán mạch máu tiền đạo trước sinh cần được theo dõi thai kỳ, hỗ trợ phổi cho thai nhi, chấm dứt thai kỳ trước khi vào chuyển dạ bằng mổ lấy thai chủ động nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm cho bé.
Hiện tại, Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sinh – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An triển khai sàng lọc dị tật sớm cho thai nhi trong quý I bằng siêu âm và các xét nghiệm Double test, NIPT. Đối với các trường hợp nằm trong đối tượng nguy cơ cao sẽ được tư vấn làm các xét nghiệm xâm lấn (chọc ối, sinh thiết gai nhau, lấy máu cuống rốn) để chẩn đoán.