Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Bệnh bạch cầu cấp ở trẻ em

Bệnh bạch cầu cấp là bệnh tăng sinh ác tính các tế bào máu chưa biệt hóa hoặc biệt hóa một phần tại tủy xương. Bệnh bạch cầu cấp là bệnh ác tính thường gặp nhất ở trẻ em. Ở trẻ em, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho( ALL) hay gặp hơn dòng tủy(AML). Tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, hàng năm có 150-180 trẻ mới mắc bệnh bạch cầu cấp, trong đó 2/3 là ALL. ALL nhóm nguy cơ thường đã được coi là bệnh chữa được với tỉ lệ sống không bệnh 5 năm trên 70% (ở Việt Nam), gần 90% (ở các nước phát triển).Trong đó ở Nghệ An tỷ lệ mắc mới hằng năm bệnh bạch cầu cấp khoảng 15-25 bệnh nhân ( Số liệu thống kê của BV Nhi TW- 2020).

 

 

 Điều trị bệnh chủ yếu là hóa trị liệu với nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn điều trị duy trì kéo dài từ 2-3 năm. Mục đích điều trị duy trì nhằm tránh tái phát bệnh.

Nguy cơ của bệnh bạch cầu cấp?

Là bệnh lý ác tính, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không điều trị.

Do tăng sinh các tế bào ác tính ở tủy và xâm nhập ra ngoài tủy, bệnh lý có thể diễn ra cấp tính với các triệu chứng: Nhiễm trùng (sốt), xuất huyết do giảm tiểu cầu (bầm tím dạng mảng,chấm, nốt ở da, niêm mạc,đôi khi đe dọa tính mạng như xuất huyết não, xuất huyết nội) và các triệu chứng gây ra do thiếu máu (da xanh nhợt, mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở).

Bệnh cũng có thể diễn tiến kéo dài khoảng vài tháng với các triệu chứng mơ hồ như: mệt mỏi, chán ăn, sốt thất thường, sụt cân, da xanh….

Ngoài ra còn có các triệu chứng thâm nhiễm ngoài tủy: xâm nhập thần kinh trung ương (đau đầu, nôn…), xâm nhập tinh hoàn, biểu hiện xương khớp, thâm nhiễm hốc mắt…

Triệu chứng thường gặp của bệnh bạch cầu cấp?

- Thiếu máu:  Da xanh, niêm mạc nhợt, đau đầu, chóng mặt…

- Xuất huyết da, niêm mạc: Thâm tím dạng mảng, chấm nốt trên da, chảy máu mũi, nôn máu, tiểu máu, đi ngoài phân đen …

-  Dấu hiệu nhiễm khuẩn : Sốt thất thường, nhiễm khuẩn các cơ quan tái diễn.

-  Dấu hiệu thâm nhiễm các cơ quan:  Gan, lách, hạch to, đau đầu, yếu liệt chi, sưng tinh hoàn…

Các xét nghiệm chẩn đoán bạch cầu cấp

1. Huyết học

- Huyết đồ: Hồng cầu, Hemoglobin, hồng cầu lưới giảm. Số lượng bạch cầu tăng, giảm hoặc bình thường, tỉ lệ bạch cầu hạt giảm nặng, có hoặc không có bạch cầu non. Tiểu cầu giảm.

- Tủy đồ:

Hình thái học: Tăng sinh bạch cầu non, lấn át các dòng tế bào tủy bình thường.
Hóa học tế bào: Nhiều kỹ thuật nhuộm. Hay dùng: dòng lympho có PAS (+), dòng tủy có POX (+).
Miễn dịch tế bào: Nhiều dấu ấn miễn dịch có giá trị chẩn đoán.
Di truyền: Đa bội, thiểu bội, số lượng bình thường, các loại bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể ở mức độ di truyền tế bào hoặc phân tử.

2. Sinh hóa

Dựa vào các chỉ số LDH, Ure, Creatinin, Axit uric, Kali máu, Canxi…

3. Chẩn đoán hình ảnh:
- X quang ngực phát hiện u trung thất, X quang xương dài nếu đau xương.

- Siêu âm bụng phát hiện gan, lách, thận to.
Chẩn đoán:

- Lâm sàng có các biểu hiện nêu trên..

- Xét nghiệm: Tủy đồ có > 25% tế bào non, lấn át các dòng tế bào tủy khác

Điều trị bệnh bạch cầu cấp như thế nào?

1. Đối với bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.

 Điều trị chủ yếu là hóa trị liệu (dùng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư) và chia thành nhiều giai đoạn khác nhau:

- Cảm ứng (4 tuần): Đạt lui bệnh hoàn toàn ngay sau khi chẩn đoán.

- Củng cố 4 - 8 tuần: Dự phòng tái phát hệ thần kinh trung ương.

- Tái cảm ứng 8 tuần: Tiêu diệt các tế bào non còn sót lại.

- Điều trị  duy trì trong 2 - 3 năm: Tránh tái phát bệnh.

Trẻ nam: Điều trị duy trì 3 năm.

Trẻ nữ: Điều trị duy trì 2 năm.

Thuốc điều trị dự phòng: Methotrexate: theo tuổi, 2-3 tháng / lần

Dexamethason uống 5 ngày đầu / tháng, Vincristin 4 tuần / lần, Mercaptopurine (6-MP) uống hàng ngày, Methotrexate(MTX) uống hàng tuần. Chỉnh liều 6-MP, MTX để duy trì bạch cầu hạt từ 1000 – 2000 / mm3

- Nếu thâm nhiễm thần kinh trung ương: Tiêm tủy sống hàng tuần ở giai đoạn cảm ứng cho đến khi hết bạch cầu non trong dịch não tủy, kết hợp tia xạ sọ não trước khi điều trị giai đoạn duy trì. Nếu thâm nhiễm tinh hoàn: tia xạ tinh hoàn.

2. Đối với bạch cầu cấp dòng tủy

Gồm 5 – 6 đợt điều trị hóa trị liệu liều cao, mỗi đợt cách nhau 3 tuần hoặc khi bạch cầu hạt ≥ 1.000 / mm3, tiểu cầu ≥ 100.000 / mm3

3. Điều trị hỗ trợ khác: Truyền máu, điều trị nhiễm khuẩn, hỗ trợ dinh dưỡng và tâm lý…..

 

         

Nên điều trị bệnh Bạch cầu cấp ở đâu?

Hiện nay, với sự phát triển về mọi lĩnh vực trong điều trị, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An không ngừng mở rộng tất cả các lĩnh vực trong đó có mảng bệnh lý về huyết học và ung thư trẻ em. Với cơ sở vật chất, phương tiện mới, hiện đại cũng như nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên ngành ung thư huyết học đã tiến hành triển khai điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho giai đoạn duy trì.

 Mục tiêu của chúng tôi là mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhi ung thư cũng như giảm bớt khó khăn về kinh tế và chi phí đi lại, ăn ở…cho gia đình bệnh nhi. Là địa điểm tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin khi các cháu không may bị mắc bệnh hiểm nghèo.

Dự kiến vào khoảng trung tuần tháng 07/2021 sẽ tiến hành mời các chuyên gia đầu ngành là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ giữ chức vụ là Trưởng, Phó khoa, Trung tâm về lĩnh vực Huyết học và Ung bướu của Bệnh viện nhi Trung Ương về làm việc tại khoa Tiêu hóa – Huyết học lâm sàng  Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An Trong thời gian khoảng từ 02 đến 03 ngày.

Các gia đình bệnh nhân có con mắc bệnh về máu như: Bạch cầu cấp, Rối loạn sinh tủy, Suy tủy, Thiếu máu, Thiếu men G6DP, Thalassemia, Hemophilia A,B, Thiếu yếu tố VII, Xuất huyết giảm tiểu cầu, Suy nhược tiểu cầu, Bệnh xương hóa đá... có nhu cầu khám tư vấn bệnh sẽ đăng ký sớm theo 02 số điện thoại sau và thông báo cho những người khác cùng biết.

-         Khoa tiêu hóa- Huyết Học : 0914.341.229

-         Phòng công tác xã hội: 0941.177.228

                       

                                                                          Ths-Bs Nguyễn Thị Tình   

                          Khoa Tiêu hóa- Huyết học Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

 


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 7
Tổng số lượt truy cập: 6053448