Thận trọng với biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em
Thời điểm hiện nay, bệnh sởi ở trẻ em đang có dấu hiệu quay trở lại với những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, giảm thị lực, viêm tai giữa,… Thậm chí do chủ quan của gia đình, nhiều bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì viêm phổi nặng phải thở bằng máy.

Từ tháng 4/2024 đến nay, khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã khám và điều trị hơn 1.000 ca mắc sởi.
Trường hợp bệnh nhi T.P.V (15 tháng tuổi, trú tại Quỳ Hợp) nhập viện khoa Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng sốt, kèm theo ho, nổi ban đỏ rải rác, mắt ghèn nhiều. Trẻ tiền sử bệnh tim bẩm sinh thông sàn nhĩ thất toàn phần đã phẫu thuật và chưa được tiêm vắc xin phòng sởi. Trẻ chuyển khoa Hồi sức Tích cực chống độc điều trị thở máy với chẩn đoán xác định Suy hô hấp cấp/ Viêm phổi nặng/ Sởi.
Tương tự, trường hợp bệnh nhi L.B.H (7 tuổi, trú tại Nghi Diên, Nghi Lộc) nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng. Trẻ tiền sử bệnh khiếm khuyết vận động, thông liên thất đã phẫu thuật và chưa được tiêm văcxin phòng sởi. Gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay khi tiếp nhận thông tin, phòng CTXH&CSKH đã kịp thời vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình bệnh nhi khoản chi phí 20 triệu đồng.
Theo BSCKII. Võ Mạnh Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là đối với trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi mà tiếp xúc với nguồn lây. Hầu hết các ca tử vong do sởi là do các biến chứng liên quan nhất đến bệnh.
Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu từ 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Phát ban là triệu chứng dễ nổi bật, dễ nhận thấy nhất. Các triệu chứng ban đầu thường kéo dài 4 – 7 ngày gồm: Sổ mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, các đốm trắng nhỏ bên trong má. Phát ban bắt đầu khoảng 7 – 18 ngày sau khi tiếp xúc, thường ở mặt và cổ trên sau đó lan rộng trong khoảng 3 ngày, cuối cùng đến tay và chân, thường kéo dài 5 – 6 ngày trước khi mờ dần.
Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Đối với những trẻ mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi, gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để điều trị; ăn uống phải đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao thể trạng của trẻ; không để trẻ bị lạnh; vệ sinh họng, mũi, mắt bằng loại dung dịch có tính sát trùng nhẹ để tránh bội nhiễm vi khuẩn. Để phòng, chống bệnh sởi, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch.