Loading...
Chào mừng bạn đến với Website Bệnh Viện Sản nhi Nghệ An

Bệnh Sởi - sự nguy hiểm và những điều cần biết

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ. Dịch sởi có chu kỳ sau 4-5 năm sẽ có nguy cơ bùng phát, và năm 2024 là năm nằm trong logic chu kỳ này nên có nguy cơ cao.

 

 

Hiện nay, tại khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đã tiếp nhận và đang điều trị 05 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh sởi. Nhận thấy mức độ nguy hiểm và nguy cơ bùng phát dịch sởi, bố mẹ và người thân hãy trang bị cho mình những kiến thức để có biện pháp chủ động phòng, tránh bệnh sởi cho bé yêu. Hãy cùng tìm hiểu những điều cần biết và các phương pháp phòng, tránh bệnh sởi thông qua bài viết này.

 

1. Lây truyền

Bệnh Sởi do vi rút Sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.

  

2. Biểu hiện bệnh Sởi

- Trong vòng 7-21 ngày sau khi tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình, rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên. Khi mắc bệnh, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc các biến chứng như viêm tai, viêm phổi, tiêu chảy…

- Các trường hợp sốt, phát ban nghi Sởi cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị và hướng dẫn phòng chống lây nhiễm kịp thời.

 

3. Biến chứng của bệnh Sởi

3.1. Biến chứng đường hô hấp

- Viêm tai giữa: thường gặp ở trẻ nhỏ.

- Viêm thanh quản: có triệu chứng của viêm thanh quản hoặc có khó thở thanh quản cấp

- Viêm phổi có thể tiên phát do vi rút sởi hoặc thứ phát do bội nhiễm vi khuẩn.

 

3.2. Biến chứng thần kinh

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, khô, loét giác mạc, thậm chí có thể viêm não tủy và dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang mắc các bệnh cấp tính và mãn tính khác. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

 

3.3. Các biến chứng hiếm gặp khác

- Viêm cơ tim, viêm đài bể thận, xuất huyết giảm tiểu cầu, loét giác mạc.

- Bệnh lao: do có sẵn, hoặc xuất hiện ở những người suy giảm miễn dịch.

  

4. Chăm sóc người bệnh bị Sởi

- Trẻ phải được ở nơi thoáng mát, ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, nên được cách ly ít nhất 5 ngày sau khi phát ban. Hạ sốt nếu sốt trên 38,5oC; Có thể cho trẻ dùng thuốc giảm ho; Hằng ngày vệ sinh da, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn; Rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm

- Trẻ cần được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước (dung dịch oresol, nước quả tươi), không nên kiêng khem quá mức.

 

5. Phòng bệnh Sởi

- Cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng sởi.

- Sởi có khả năng lây truyền cao qua đường hô hấp, nên khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, hóa chất sát trùng..

- Phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi.

  Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh sởi, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An


Quảng cáo
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 214
Tổng số lượt truy cập: 6297102