Bệnh thuỷ đậu ở trẻ em và những thông tin cần biết
1. Nguyên nhân gây bệnh
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân.
- Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với virus qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc dịch từ các nốt phỏng vỡ ra.
- Hay gặp ở trẻ < 10 tuổi (90%), hay tạo thành dịch ở trường học, nhà trẻ.
2. Triệu chứng bệnh thủy đậu
- Khi khởi phát, trẻ có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, cũng có thể không có triệu chứng báo trước.
- Thời kỳ toàn phát, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ” phỏng nước.
Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước, dịch trong, thường hay ngứa. Nốt phỏng có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày. Những trường hợp bội nhiễm, phỏng nước sẽ có màu đục, vàng…
- Thông thường ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10.
3. Biến chứng của thủy đậu
- Thủy đậu nếu chăm sóc điều trị không tốt có thể gây biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp,… nếu không được chữa trị kịp thời.
4. Chăm sóc trẻ bị thủy đậu
- Vì bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Cho trẻ nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Bổ sung thêm vitamin C, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 0,9% hàng ngày.
- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng.
- Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch.
- Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Cần lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa.
- Nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
- Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
- Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể. Nếu các nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh, cần được thăm khám để dùng kháng sinh.
Nếu trẻ có các triệu chứng bất thường: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Sau thủy đậu, sức đề kháng của trẻ thường giảm sút, do đó cần chăm sóc tốt về dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng để tránh mắc bệnh.
5. Phòng bệnh thủy đậu
Mặc dù thủy đậu có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin.
- Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 – 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.
- Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
- Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An